Thái Nguyên đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ rừng FSC

Thùy Minh|03/08/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, Cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh việc phát triển và quản lý rừng bền vững; tới nay đã có hàng ngàn diện tích rừng trên địa bàn được cấp Chứng chỉ FSC.

Theo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo hệ sinh thái của rừng trồng, người trồng rừng được doanh nghiệp tư vấn về kỹ thuật, quá trình chăm sóc, theo dõi sự phát triển của rừng. Đặc biệt doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm gỗ cao hơn giá thị trường.

Với những lợi ích mà chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC mang lại, đa số các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đồng loạt hưởng ứng tham gia triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ FSC. Đến nay tổng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững FCS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là hơn 3.700 ha.

chung-chi-rung-fsc.jpg
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ trở thành vùng cung cấp nguyên liệu rừng bền vững. Ảnh: Phạm Hiếu

Năm 2023, UBND huyện Võ Nhai đã ban hành kế hoạch về việc triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC; thành lập Ban Đại diện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC. Cùng với đó, UBND huyện đã ký biên bản thỏa thuận với doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp về việc triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ trồng keo tại các xã trên địa bàn huyện.

Theo đó, từ năm 2023 - 2024, tại các xã Bình Long, Dân Tiến, diện tích rừng dự kiến được cấp chứng chỉ FSC là gần 2.500 ha, đạt 88,5% tổng diện tích với hơn 700 hộ đăng ký; các xã La Hiên, Cúc Đường và Vũ Chấn có diện tích rừng dự kiến được cấp chứng chỉ FSC là 3.800 ha, đạt 87% tổng diện tích với 1.700 hộ đăng ký tham gia.

Huyện Võ Nhai xác định, với tiềm năng, thế mạnh về rừng, việc được cấp chứng chỉ FSC là yếu tố vô cùng quan trọng đối với địa phương, góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và giá trị dịch vụ môi trường rừng; nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho người dân...

Tương tự, thời gian qua tại huyện Đồng Hỷ, diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là gần 900 ha, nâng tổng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện là hơn 2.200 ha với hơn 850 hộ gia đình tham gia.

Còn tại huyện Đại Từ, Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững GFA đã đánh giá các tiêu chí và cấp chứng chỉ rừng FSC tại 3 xã Yên Lãng, Minh Tiến và Đức Lương với diện tích hơn 1.500 ha trong tháng 1/2024.

Mới đây, huyện Phú Lương đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với hơn 5.100 ha và hơn 3.600 hộ tham gia, qua đó, đưa huyện Phú Lương trở thành địa phương có diện tích được cấp chứng chỉ rừng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại 4 xã Yên Đổ (hơn 1.800 ha của hơn 1.000 hộ), xã Yên Lạc (hơn 1.000 ha của 790 hộ), xã Yên Ninh (hơn 1.100 ha của gần 700 hộ) và xã Yên Trạch (hơn 1.200 ha của hơn 1.100 hộ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Nguyên đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ rừng FSC