Nhiều tiềm năng phát triển “Du lịch xanh” vùng núi Quảng Nam

Vũ Thành – Gia Hân|29/03/2022 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tại đây hiện đang lưu giữa nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa; có nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Đó là những tiềm năng, lợi thể để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam gồm 9 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn; có diện tích hơn 783 ngàn ha, chiếm trên 74% diện tích toàn tỉnh; với dân số hơn 300 ngàn người, chiếm 20,1% dân số cả tỉnh. Trong đó Nam Giang và Tây Giang là 2 huyện biên giới với 14 xã giáp với nước bạn Lào.

Khu vực miền núi Quảng Nam, nơi còn lưu đấu nhiều nét văn hoá truyền thống của các cư dân bản địa – yếu tố quan trọng để khai thác, phát triển du lịch.

Những bước đi đầu tiên của du lịch đại ngàn xứ Quảng

Trong nhiều năm qua, nhất là từ sau khi tỉnh Quảng Nam tái lập (1997), cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương luôn danh nhiều quan tâm đầu tư, hỗ trợ và chỉ đạo, lãnh đạo để đưa khu vực miền núi của tỉnh phát triển.

Các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh, huyện cũng nhận thức ngày càng rõ lợi thế, tiềm năng để phát triển của khu vực này. Bởi đây là vùng đất rất có nguồn tài nguyên rừng khá lớn, đất đai, địa hình sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đa dạng, thiên nhiên kỳ thú, có nhiều di tích lịch sử- văn hóa vật thể, phi vật thể cần được quan tâm bảo tồn, khai thác và giữ gìn.

Riêng các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số tại 9 huyện miền núi của tỉnh hiện vẫn được trao truyền, gắn bó trong đời sống gia đình, dòng họ, cộng đồng dân tộc; vẫn đang tiếp tục phát huy giá trị trong việc cố kết cộng đồng, lòng tự tôn dân tộc, khích lệ tình yêu quê hương đất nước; nhiều giá trị đã và đang được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Tiếp tục phát huy các kết quả đã gặt hái được, đặc biệt là nhằm mở ra hướng đi bài bản, đảm bảo yêu cầu phát triển phù hợp, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và trên hết là khai thác, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, cùng với các dự án, đề án phát triển du lịch tại các huyện miền núi của tỉnh, những năm qua Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương phát triển du lịch khu vực miền núi của tỉnh.

Trong các chủ trương này, đáng kể là Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời với đó, các huyện miền núi của tỉnh cũng ban hành các nghị quyết, đề án phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030….

Hiện có nhiều mô hình làm du lịch hay của các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam được du khách đón nhận, có thể kể ra như: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); Làng văn hóa-du lịch Bhơ Hôồng ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang; Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái văn hóa lịch sử về nguồn tại huyện Nam Trà My; Đề án xây dựng làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng và thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững tại làng văn hóa thôn Pơ’ning, khu dân cư Arớch (xã Lăng), các thôn của xã A Nông, làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), thôn Arầng I (A Xan), thôn biên giới Ch’nốc (Ch’Ơm), khu du lịch đỉnh Quế huyện Tây Giang…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch ở miền núi Quảng Nam đã có sự đầu tư mạnh mẽ hơn của Nhà nước, các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với dự án “Phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, dự án “Du lịch có trách nhiệm” của tổ chức Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản (FIDR) với dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”… và còn rất nhiều mô hình, dự án,m đề án khác có liên quan trên lĩnh vực du lịch đã làm thay đổi nhận thức cộng đồng và chính quyền địa phương, tạo ra sinh kế và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp tục xây dựng và phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng của đại ngàn mang đậm sắc thái văn hóa – lịch sử – thiên nhiên. Đây là yếu tố quan trọng giúp du lịch miền núi xứ Quảng nói riêng và Du lịch Quảng Nam xây dựng thương hiệu “Du lịch xanh”, tiếp tục tiến nhanh trên chặng đường phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Đời sống và các sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Tây Giang luôn được nhiều du khách quan tâm, tìm hiểu và muốn cùng được trải nghiệm.

Rừng- Vốn quý để Du lịch Tây Giang phát triển

Tây Giang là một trong 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Mặc dù là huyện miền núi nhưng Tây Giang có những nét đặc trưng nhờ lưu giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu- cộng đồng chiếm 95% dân số của huyện.

Tây Giang còn là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất tỉnh Quảng Nam với tỷ lệ đạt 75%, nhờ đó tổng diện tích rừng của địa phương (92.000 ha) đã được bảo vệ, phát triển. Tại đây có nhiều cánh rừng nguyên sinh với các loại cây gỗ quý như: Pơmu, lim, đỗ quyên… và dưới tán rừng, các loại thảo dược quý như: Đẳng Sâm, Ba kích, sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Thất dịp nhất chi hoa, Táo mèo… đang là nguồn nguyên liệu, được người dân gìn giữ, phát triển.

Bên cạnh đó, Tây Giang có hệ thống sông, suối, thác, ghềnh đẹp, hoang sơ như sông Lăng, Ri Măng, Ka ool, M’Roong, Avương; các thác, suối đẹp có Chana, Arất, Atung (xã Lăng), Ra ai (xã Tr’Hy), R’cung (xã Bhalêê), Z’lao (xã Dang), T’ring (xã Ch’ơm)… cùng nhiều hồ thủy điện như: T’ghêy, Tr’hy, Avương….

Đặc biệt, Tây Giang có nhiều dãy núi cao từ 550m đến 2050m so với mực nước biển, tạo cho địa phương này luôn có khí hậu mát mẻ dễ chịu như: Đỉnh Quế, A rung, Zi liêng, Tà Xiên, L’ gôm, Dzăng… Không những thế, sống dưới tán rừng, nhiều loài động vật quý hiếm như báo, gấu, sao la, voọc, chồn bay, gầm gì, phượng hoàng, nhồng… đang được địa phương bảo tồn, phát triển nguồn gel.

Ông Bhríu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Tây Giang chia sẻ: “Với những giá trị độc đáo kể trên, thời gian qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, định hướng, chính sách để phát triển du lịch, đặc biệt phải dựa vào rừng, lấy rừng làm nhân tố gốc để phát triển du lịch. Cùng với đó, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, nhất là giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu làm nền tảng. Bám sát các chủ trương, định hướng đó, đến nay du lịch Tây Giang đã và đang phát triển theo hướng chủ yếu là “Du lịch xanh”- điều mà hôm nay ngành VHTT&DL của Trung ương và tỉnh đang phát động nhân dịp Năm Du lịch quốc gia 2022 do Quảng Nam đăng cai”

Tây Giang luôn xác định dựa vào tiềm năng kinh tế dưới những tán rừng xanh để phát triển du ịch

Theo Lê Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tại nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện việc hướng đến một nền du lịch phát triển dựa vào rừng và truyền thống văn hóa cộng đồng được Đảng bộ huyện Tây Giang quan tâm, chú trọng đưa ra bàn thảo. Quan điểm nhất quán của Đảng bộ, UBND huyện Tây Giang là luôn khẳng định “coi rừng là tài nguyên quý”, “gắn công tác bảo vệ, phát triển rừng với phát triển du lịch”.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14 và đặc biệt là Nghị quyết số 17 của Huyện ủy Tây Giang về kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang, đến nay du lịch Tây Giang phát triển từ những mô hình, cách làm còn đơn giản, đơn điệu; từ chỗ chưa có nhiều du khách tìm đến đã phát triển một bước đáng kể và bền vững.

Song song với việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa bản địa (văn hóa Cơ), huyện Tây Giang cũng đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng. Các cấp lãng đạo huyện luôn nghiêm túc thực hiện phương châm: “Rừng còn thì Tây Giang còn; rừng suy tàn thì Tây Giang cũng suy tàn”.

Với phương châm đó, Tây Giang đã khơi dậy ý thức trách nhiệm trong cộng đồng và toàn xã hội để bảo vệ rừng. Nhờ đó, hệ thống rừng tại Tây Giang với nhiều khu rừng nguyên sinh có trị đến nay vẫn được bảo tồn, phát triển.

Trên cơ sở đó, nhiều cánh rừng quý hiếm đã được địa phương khai thác để phát triển du lịch. Du khách tìm đến đây để khám phá các giá trị từ rừng, nhất là rừng Pơ mu với số lượng hàng ngàn cây đã được công nhận là Cây di sản, đồng thời cũng được mệnh danh là “Vương quốc Pơ mu”. Ngoài ra, rừng Đỗ quyên cổ, rừng lim xanh, rừng đa cổ thu… cũng là những địa chỉ mà du khách tìm đến tham quan, khám phá.

“Dưới tán rừng, người dân gắn với bảo vệ rừng là khai thác các lâm đặc sản quý hiếm để phát triển kinh tế; đồng thời cũng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ từ bao đời. Trên nền tảng những tiềm năng, lợi thế có được đó, Tây Giang đã phát triển du lịch theo hướng mang đậm sắc thái của rừng; hay nói đúng hơn, đó chính là “Du lịch xanh” mà nhiều người đang nhắc tới. Với Tây Giang, rừng là vốn quý, hồn cốt để địa phương phát triển Du lịch” cả trước mắt lẫn tương lai lâu dài- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh khẳng định.

Vũ Thành – Gia Hân

Bài liên quan
  • Quảng Nam công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh
    Moitruong.net.vn – Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam gồm có 6 lĩnh vực bao gồm: Bộ tiêu chí du lịch khách sạn; bộ tiêu chí dành cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; bộ tiêu chí dành cho khu nghỉ dưỡng; bộ tiêu chí doanh nghiệp lữ hành; bộ tiêu chí điểm du lịch dựa vào cộng đồng; bộ tiêu chí dành cho điểm tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều tiềm năng phát triển “Du lịch xanh” vùng núi Quảng Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.