Ngày 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hôm nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về 4 nội dung:
+ Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
+ Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
+ Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
+ Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội để cử tri và nhân dân theo dõi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ với 308 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến thảo luận đã được Tổng Thư ký tổng hợp gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, các gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị tập trung vào các thách thức cần phải vượt qua bất cập, khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến cho năm 2025. Các đại biểu cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả đã đạt được, các vấn đề cần lưu ý, quan tâm và có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian tới…
Đầu tư đê biển, phát triển thủy lợi để đảm bảo sản xuất
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư các công trình giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên tại Cà Mau, hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu nêu rõ, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hệ thống giao thông thủy lợi của Cà Mau không đáp ứng được yêu cầu sản xuất do chưa được đầu tư các công trình lớn. Do đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư giai đoạn 2 của hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé. Nếu dự án sớm được thi công và đưa vào sử dụng sẽ làm chậm quá trình xâm ngập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ sản xuất; đủ điều kiện để bơm nước vào hệ thống kênh trong mùa khô, khắc phục tình trạng thiếu nước cuối mùa vụ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện dự án này, do sự chưa thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bàn giao.
Bên cạnh đó, đề án phòng chống sạt lở, sụt lún, hạn mặn, thiếu nước sạch của Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tỉnh Cà Mau được cho xây dựng riêng đề án về vấn đề này. Tuy nhiên còn phải chờ phê duyệt dự án của cả vùng thì mới xem xét được dự án của tỉnh. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành trung ương cần sớm phê duyệt các dự án cấp thiết này. Đồng thời, đối với vấn đề về vốn đầu tư công trung hạn gia đoạn 2026-2030, đề nghị cần quan tâm tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống đê biển, khép kín đê biển tây, đầu tư đê biển đông và kè những đoạn còn lại để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng bức xúc về giao thông hiện nay, đảm bảo khai thác đồng bộ khi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian tới, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, trong đó có lộ trình cụ thể để triển khai ngay trong giai đoạn 2021 - 2025; kiến nghị Quốc hội xem xét, quan tâm trong phương án phân bổ nguồn vốn vượt thu ngân sách trung ương năm 2024 để Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai thực hiện.
Cần chấm dứt việc khai thác gỗ tự nhiên
Tranh luận với đại biểu về việc cách thức tiến hành cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, còn rất nhiều bài học rút ra để có thể giảm hơn nữa những mất mát, đặc biệt là về người. Vấn đề đầu tiên theo đại biểu cần rút kinh nghiệm đó là việc phân phối hàng cứu trợ để tránh tình trạng chỗ cần không có, chỗ lại thừa, thậm chí phải chôn hàng tấn thức ăn, vì không kịp phân phát. Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì; số lượng, thời gian, cách thức đưa hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương.
Về vấn đề đại biểu nêu liên quan đến việc trồng rừng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, đến địa phương nào cũng nhận thấy màu xanh của rừng không bền vững, chủ yếu là keo bạch đàn đều là những cây có khả năng giữ đất không cao, với chu kỳ khai thác ngắn. Do đó, chúng ta cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước để triển khai trồng rừng theo địa từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau. Nên tăng cường trồng cây bản địa, cây lâu năm; nếu vẫn cần khai thác kinh tế thì có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất ở phía dưới, còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa.
Vấn đề thứ ba, đó là khai thác tài nguyên đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng dự trữ sinh quyển rất cần rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường khách quan, công tâm. Đặc biệt những nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo thì chúng ta phải phải thận trọng. Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt; tuyên truyền để thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối tự nhiên của người Việt Nam; cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất, như trồng cây mà vẫn còn nguyên bọc hay cây còn có khả năng cứu lại chặt đi để xin ngân sách trồng mới.
Cuối cùng là về phát triển y tế cơ sở, đại biểu Lân Hiếu lấy dẫn chứng ở vùng miền núi Lào Cai là một trong tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất nhưng cũng là địa phương đã có đầu tư tốt cho y tế tuyến huyện trong thời gian vừa qua có sự kết nối thường xuyên với tuyến Trung ương nên đã thực sự cứu được nhiều nạn nhân của cơn bão số 3. Chỉ những ca thật phức tạp sau khi sơ cứu ổn định mới chuyển về Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai. Đại biểu khẳng định, đây là mô hình tốt mà chúng ta cần nhân rộng để nâng cao sức khỏe người dân; đồng thời sẵn sàng ứng phó với những thảm họa dù không ai muốn nhưng có thể xảy ra trong tương lai.
Có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản
Quan tâm đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa Đoàn- ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả. Đại biểu khẳng định, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ. Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin – cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đại biểu lo ngại tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng.
Một vấn đề nữa, được đại biểu đề cập đó là hạ tầng giao thông đã được Quốc hội thông qua và từng bước triển khai nhưng việc triển khai ở các địa phương gặp khó. Áp lực sử dụng các sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án, công trình nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường. Cát biển cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường; nghiên cứu xây dựng cầu cảng trên vùng đất yếu, vùng trũng, đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng thực hiện thí điểm.