Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra.
Sốt virus
Khi mắc bệnh, trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, viêm đường hô hấp trên, bệnh thường diễn biến lành tính. Tuy nhiên, có một số trường hợp có biến chứng, nên cần theo dõi để phát hiện triệu chứng của viêm não, các biến chứng khác như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản…
Sốt xuất huyết
Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Viêm não Nhật Bản
Đây là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh nguy hiểm, thường xuất hiện và tạo thành dịch trong mùa hè. Bệnh do một loại Arbovirus nhóm B gây nên được muỗi truyền từ súc vật sang người. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng thần kinh nặng nề, tử vong. Các biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn.
Tay – Chân – Miệng
Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân – miệng.
Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt là các cháu đang đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Bệnh sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có nhiễm sởi. Đây là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ bị biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh này.
Tiêu chảy
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè do mùa hè ở nước ta có khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, làm cho thức ăn nhanh bị hỏng, bị ôi, thiu, là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp bị tiêu chảy.
Mặt khác, sau những ngày mưa bão, lũ lụt thì các vi khuẩn càng có điều kiện sinh sôi, phát tán trong môi trường đất, nước, thực phẩm, làm cho số người mắc tiêu chảy càng nhiều và dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Minh Hoa (t/h)