Những cái Tết không về của người Việt xa quê

Thu Hoài|05/02/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết là thời gian đoàn viên, là để được trở về nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, được nghe gia đình kể chuyện năm cũ, cùng nhau đón chào năm mới. Tuy nhiên, đối với những người con xa xứ, Tết cũng là thời điểm bâng khuâng, nhớ nhung nhất trong năm khi phải đón năm mới nơi xứ người.

Thuỳ Dung (thứ 3 từ trái sang) đón giáng sinh đầu tiên ở Nhật Bản cùng hội du học sinh Việt Nam

Nhớ vị Tết quê nhà

Tết Nhâm Dần 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động Việt không thể về nước đón Tết cùng gia đình. Đây cũng là cái Tết thứ 5 anh Nguyễn Đức Hiền, lao động Việt Nam tại Nhật Bản phải xa quê. Anh Hiền chia sẻ, Nhật Bản đón Tết Dương lịch nên đây được coi là ngày lễ lớn trong năm. Tuy nhiên, Tết Dương đối với người lao động như anh cũng chỉ là một ngày để nghỉ ngơi, còn Tết Âm vẫn đi làm bình thường. Năm nay cũng là một năm đầy khó khăn với anh. Trải qua dịch bệnh liên miên, thu nhập không được như trước, anh Hiền tâm sự: “Mình sang Nhật năm nay là năm thứ 5 rồi, 5 cái Tết xa nhà làm mình nhớ gia đình khủng khiếp. Lúc đầu chỉ dự định sang 2 năm rồi gia hạn visa, sau định ở thêm 2 năm nữa cho có tài chính rồi về chứ vé cũng đắt. Đến lúc lo được tiền vé để về thì dịch bệnh bùng phát, về rồi sợ không sang lại đây được nữa”.

Gia đình anh Hiền có 4 người con thì có đến 3 người đi xuất khẩu lao động, hai em gái của anh Hiền đi Hàn Quốc. Vậy nên gia đình anh chỉ biết đón Giao thừa cùng nhau qua Facebook, Zalo. Những ngày cận Tết, nhìn thấy ở nhà chỉ có bố mẹ và em trai cùng nhau nấu bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, anh chỉ mong sớm được về Việt Nam đoàn tụ. Thế nhưng, Tết này, anh Hiền cũng chỉ có thể đón Tết xa một mình tại Nhật Bản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cùng chung cảnh Tết xa xứ, gia đình anh Khánh, chị Nga, đang lao động tại Đài Loan Tết này cũng không thể về quê. Hai vợ chồng lấy nhau được 6 năm, anh Khánh sang Đài Loan được 4 năm. Cuộc sống vất vả, chị Nga cũng theo anh sang nước ngoài để hai vợ chồng cùng làm việc, gửi hai đứa con lại cho ông bà nội ngoại. Vì con còn nhỏ nên chị vốn định nửa năm sẽ về thăm con một lần, tuy nhiên đã hai năm rồi anh chị vẫn chưa được về Việt Nam. Thương con nhỏ ở nhà thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, Tết cũng không thể về với con, chị Nga nghẹn ngào: “Tết bố mẹ gia đình ở nhà ngóng, nhưng nhiều năm mình phải tăng ca, trong giờ làm việc đâu có được nghe điện thoại. Đến lúc cầm được điện thoại lên thì con ngủ quên từ lúc nào rồi. Lúc đó cảm giác bất lực, muốn ôm con, đưa con đi chơi Tết mà không được, mình chỉ biết ôm chồng khóc, rồi hai vợ chồng dặn lòng phải cố gắng kiếm nhiều tiền để nhanh về nước, lo cho con được cuộc sống đầy đủ hơn”.

Lần đầu xa nhà, xa bố mẹ, giống như bao du học sinh khác, Thuỳ Dung (Hà Tĩnh) không khỏi nhớ nhà, nhớ quê hương. “Đây là cái Tết đầu tiên mình xa gia đình, mỗi lần gọi điện về nhà thấy bố mẹ với các em gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, mua cây đào, cây quất, mình ở bên này một mình chưa quen ai, nước mắt cứ trào ra. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại cảnh tầm này năm ngoái đang được quây quần bên gia đình, đi chúc Tết họ hàng, được ăn bánh chưng bố gói, dưa hành mẹ muối, đưa các em đi chơi Tết,… mà thấy chạnh lòng lắm. Hy vọng dịch Covid-19 nhanh qua để năm sau sẽ được về với gia đình.

Những niềm an ủi nơi đất khách

Không thể trở về đón Tết cổ truyền, nhưng người Việt sinh sống xa quê ở nhiều nơi vẫn hướng về quê hương, nhớ vị Tết quê nhà. Từ khi dịch bệnh bùng phát, có những người đã phải đợi hàng năm trời chưa có chuyến bay về Việt Nam. Dù nhớ nhà, nhớ con, nhưng đã xác định bảo nhau đi làm vì tương lai, nên vợ chồng anh Khánh nhất định phải cố gắng. May mắn công ty may của anh chị đang làm cũng có nhiều người Việt Nam cùng làm. “Đón Tết ở Đài Loan cũng trùng với Tết Việt Nam. Họ cũng tổ chức bắn pháo hoa vào tối Giao thừa, anh chị em trong công ty cùng ký túc nấu cơm rồi ngồi lại với nhau nói chuyện sau 1 năm vất vả làm việc. Ở nơi xứ người, mọi người đều quan tâm, chia sẻ với nhau, ngày Tết cùng làm bữa cơm tất niên sum họp, đi chợ Tết ở đây không khí không được như ở nhà, nhưng như thế cũng vui vẻ và ấm áp lắm rồi”, anh Khánh chia sẻ.

Quỳnh Phương hiện đang học tại Đại học Oxford (Anh Quốc)

Còn Quỳnh Phương, 20 tuổi, đang học tại University of Oxford, Anh Quốc cũng có hai năm xa nhà và có 1 cái Tết không được ở bên gia đình. Trước đây Phương học tại một trường đại học ở Mỹ, không có nhiều người Việt lắm nên mọi người đón Tết cũng giản dị, quan trọng là không khí quây quần bên nhau ngày tất niên. Năm nay, Quỳnh đi học trao đổi ở Oxford, cộng đồng người Việt ở đây đông và cũng có nhiều lứa tuổi nên không khí Tết cũng nhiều hơn.

Được ở cùng với nhiều bạn người Việt nên Phương có thể cùng các bạn trong ký túc xá nấu bánh chưng, bánh tét, làm mâm cơm cúng Giao thừa khi Tết đến. Cũng nhờ vậy mà cô bớt đi cảm giác nhớ Tết ở Việt Nam.

“Hồi năm nhất đại học, Giao thừa ở Việt Nam lại trùng đúng giờ mình đi làm. Mình rất muốn nói chuyện với gia đình lúc đó nhưng lại sợ ảnh hưởng đến công việc. Đắn đo một lúc thì mình mới thử hỏi sếp xem có thể ra ngoài 10 phút để gọi về cho gia đình không vì đây là một dịp rất quan trọng với gia đình Việt Nam. Sếp mình rất thông cảm và còn bảo mình cứ thoải mái thời gian. Sau khi nói chuyện với gia đình xong thì sếp còn hỏi mình về các phong tục tập quán đón Tết của người Việt Nam nữa. Những điều nhỏ bé thôi nhưng lại làm mình thấy ấm lòng và bớt tủi thân khi không có gia đình bên cạnh” – Quỳnh Phương tâm sự.

Những ngày cuối năm, khi mọi người đang nô nức chuẩn bị năm mới, niềm vui, sự hân hoan, chờ đợi thời khắc Giao thừa thiêng liêng là điều dễ thấy trên khuôn mặt mỗi người, nhưng với người lao động và du học sinh xa quê lại là những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Đối với nhiều người, không gì có thể thay thế không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam, nơi có ông bà bố mẹ, những người thân yêu nhất. Dù vì lí do gì mà người Việt phải xa xứ, thì ai cũng mong một ngày thế giới hết dịch bệnh, để những người con xa quê được trở về, đoàn tụ bên mâm cơm tất niên ngày cuối năm, kể cho nhau nghe những buồn vui năm cũ.

Thu Hoài

Bài liên quan
  • Bánh nổ “linh hồn Tết” của người xứ Quảng
    Moitruong.net.vn – Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên của người xứ Quảng, không thể thiếu món bánh nổ. Loại bánh này từ bao đời nay đã trở thành “linh hồn Tết”, là một phần trong đời sống văn hóa của người xứ Quảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cái Tết không về của người Việt xa quê