Những con số đáng báo động do thiên tai gây ra tại 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái

Ngọc Mai (T/h)|27/08/2018 02:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh

(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã làm việc với 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai với mục đích trao đổi, thảo luận về tình hình, diễn biến thiên tai tại địa phương thời gian qua; phương án phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai tại địa phương cũng như những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục.

>>>75 người thiệt mạng và mất tích do thiên tai trong 6 tháng đầu năm

Thứ trưởng Lê Công Thành kiểm tra nơi thường xuyên bị lũ cuốn gây thiệt hại về người và tài sản của địa phương. Ảnh: Khương Trung

Báo cáo với đoàn kiểm tra, các địa phương cho biết, những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra từ năm 2017 đến nửa đầu 2018 là những con số đáng báo động khiến cho đời sống nhân nhân ở 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai bị xáo trộn và gặp nhiều khó khăn.

Tuyên Quang là một trong những tỉnh hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã có 17 đợt thiên tai (02 trận mưa kèm gió lốc, mưa đá; 15 trận mưa vừa, mưa to). 8 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 đợt thiên tai (07 trận mưa kèm gió lốc, mưa đá; 01 trận mưa vừa, mưa to), đặc biệt xảy ra đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 23-26/6/2018 kết hợp với lũ thượng nguồn sông Lô từ Hà Giang gây ngập lụt, lũ quét ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo báo cáo, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017 là 33,604 tỷ đồng. Thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018 là 29,333 tỷ đồng.

Tại Hà Giang, trong 05 năm qua (2014-2018), thiên tai làm 51 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 1.330 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017, thiên tai làm 15 người chết; 1.335 nhà bị ảnh hưởng; hơn 2.414 ha các loại cây trồng bị thiệt hại, hơn 1000 kg mạ, thóc giống bị mất trắng, ngập úng; 29 điểm trường ảnh hưởng do sạt lở đất… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017 ước tính gần 300 tỷ đồng (chiếm 1,69% GDP của tỉnh). Từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai làm 06 người chết; 2.968 nhà bị ảnh hưởng; 37 trường và điểm trường học bị ảnh hưởng bởi đất đá tràn vào, tốc mái hư hỏng; 03 trạm tế bị hư hỏng; nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do các diện tích canh tác hoa màu đều bị phá hỏng, gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi; các Quốc lộ 4C, Quốc lộ 34, Quốc lộ 279, Quốc lộ 280 và Đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú bị sạt lở đất đá hơn 14.000 m3; đường tỉnh lộ, đường liên xã, công trình thủy lợi, cầu, kè đều bị sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và cuộc sống của nhân dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính 260 tỷ đồng.

Tại Yên Bái, là một tỉnh miền núi địa hình phân cắt mạnh, núi cao sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên thiên tai xảy ra rất phức tạp và bất thường. Nhiều nơi có thể xảy ra gió xoáy, gió giật kèm theo mưa đá, thêm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Trong năm 2017, tỉnh Yên Bái đã thiệt hại khoảng 1.855 tỷ đồng do thiên tai. 8 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 13 đợt thiên tai, làm 17 người chết và mất tích, 23 người bị thương, hư hỏng 5.175 ngôi nhà, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, phá hủy nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi, thủy điện… Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 969 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp và mang tính đặc thù như: rét đậm, rét hại xảy ra vào đầu năm; mưa đá, dông lốc, sét đánh xảy ra vào thời điểm giao mùa trung tuần tháng 3 đến tháng 5; mưa lớn, lũ, sạt lở đất xảy ra từ đầu tháng 6 – 9. Nhìn chung các đợt thiên tai diễn ra phức tạp, khó lường, gia tăng cả về số lượng và mức độ thiệt hại. Trong năm 2017, Lào Cai có 05 người chết do lũ cuốn; 3.992 nhà ở bị thiệt hại và ảnh hưởng trong đó có 288 nhà phải di dời khẩn cấp; 1.123 ha diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng; cùng nhiều cơ sở hạ tầng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các công trình thủy lợi, kè, nước sạch nông thôn, các tuyến đường giao thông, thông tin liên lạc bị phá hủy, hỏng hóc. Ước tổng giá trị thiệt hại năm 2017 là 658 tỷ đồng. Trong năm 2018, tình hình thời tiết khí hậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp như rét đậm, rét hại, mưa lớn trên diện rộng kèm theo dông, lốc đã gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Ước tính thiệt hại 7 tháng đầu năm 2018 là trên 582,7 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc khí tượng thủy văn, kiểm định an toàn đập và các phương án bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du, tập trung, huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai đã gây ra, huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố; Tăng cường xây dựng lực lượng xung kích phát triển hơn nữa bởi lực lượng này có vai trò quan trọng trong công tác 04 tại chỗ để địa phương có thể tự chủ động ứng phó với những diễn biến thất thường do thiên tai gây ra; Tăng cường năng lực, kiến thức chung cho các lực lượng tại chỗ để tự nhận biết, đánh giá và chủ động ứng phó tránh phụ thuộc vào sự cứu trợ từ xa; Triển khai có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ. Các nhà máy thủy điện nên thống nhất một cơ sở dữ liệu chung về các số liệu quan trắc nước, khí hậu để tỉnh có thể kiểm soát và nắm bắt được thông tin các số liệu và điều phối chung.

Với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch của tất cả các Sở, ban, ngành, cơ quan ở địa phương, với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cả cộng đồng được an toàn trước thiên tai.

Ngọc Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những con số đáng báo động do thiên tai gây ra tại 04 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.