Những điểm du lịch xanh không thể bỏ qua trong dịp 30/4 – 1/5

Yến Anh (T/h)|04/04/2018 07:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nếu bạn đang băn khoăn chuyến du lịch 30/4 ở đâu, làm gì thì có lẽ bài viết này sẽ giúp ích phần nào đó cho bạn. Moitruong.net.vn gửi đến độc giả một số điểm ở phía Bắc nước ta “bao đẹp”, chi phí lại vừa phải, thuận tiện cho việc đi lại.

(Moitruong.net.vn) – Trong dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày này, đi du lịch cùng người thân là sự lựa chọn hàng đầu của người dân Việt Nam. Nhưng 30/4 – 1/5 đi đâu để được hòa mình vào thiên nhiên một cách trọn vẹn, đó vẫn đang là câu hỏi khiến nhiều người bối rối. 

Thác Bản Giốc – Cao Bằng

Thác Bản Giốc một nhóm thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Ngoài giá trị du lịch và nghệ thuật, thác cũng có tiềm năng thủy điện. Ngoài ra, tại Việt Nam, cũng có nhận định cho rằng thác Bản Giốc là thác nước đẹp nhất của quốc gia. Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch của tỉnh Cao Bằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 người đến thăm Bản Giốc.

Đỉnh Tà Xùa – Sơn La

Núi Tà Xùa hùng vĩ nằm ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La gồm tất cả 3 đỉnh núi. Trong đó đỉnh cao nhất cao 2.865m, xếp thứ 10 trong số những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Tà Xùa là thử thách không dễ vượt qua dành cho bất kỳ ai muốn chinh phục.

Giống như dãy Pha Luông, ngay từ những đoạn đầu tiên là những con dốc liên tiếp nhau, nhiều đoạn dốc cao, không có chỗ đặt chân nên phải bám rễ hoặc cành cây để leo lên. Trên hành trình có rất nhiều đoạn sạt lở, chênh vênh. Có đoạn phải đi trên những gốc cây cổ thụ đổ gập bên đường, dưới là vực sâu. Một hành trình không dành cho những người yếu tim hoặc thần kinh không vững.

Đây cũng là địa danh gắn liền với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” trong sách giáo khoa.

Đỉnh Mẫu Sơn – Lạng Sơn

Nằm cách thành phố Lạng Sơn gần 30km, đỉnh Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) có khí hậu ẩm ướt quanh năm, từ lâu được người Pháp chọn là nơi du lịch nghỉ dưỡng với nhiều ngôi nhà và biệt thự cổ.

Hiện tại trên đỉnh Mẫu Sơn còn lưu giữ được nhiều ngôi biệt thự cổ có từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên một số nơi đã trở thành phế tích, hoang tàn do lâu ngày không được sử dụng.

Mẫu Sơn có khí hậu hai mùa rõ rệt. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 7 – 13 độ. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thường có mưa nhiều, nhiệt độ trung bình khoảng 16 – 17 độ.

Núi Ba Vì – Hà Nội

Ba Vì là một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km.

Trên Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn) cao 1281m. Ở chân núi phía Tây của dãy Ba Vì có dòng sông Đà, phía Đông có hồ nhân tạo Suối Hai dài 7km, rộng 4km với 14 đảo lớn nhỏ thực chất là những ngọn đồi nhô lên mặt nước.

Trên dãy Ba Vì còn có nhiều cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật rất đa dạng. Trên núi là các khu rừng già có nhiều lâm thổ sản quí như gỗ, song mây, trẩu, sơn, cây thuốc nam và các loài thú được bảo vệ như hổ, báo, gấu, cầy bay…Vườn quốc gia Ba Vì là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của Ba Vì.

Theo các tài liệu nghiện cứu về khảo cổ học thì vùng núi Ba Vì còn rất nhiều các hiện vật bằng đá như rìu, bàn mài, chì lưới, mũi nhọn, bàn dập, hòn kè, giáo, đục, mũi tên, đồ trang sức và nhiều các hiện vật là đồ đồng, đồ gốm có niên đại từ thời văn hóa Sơn Vi, tồn tại qua bốn giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, đến Đông Sơn cách ngày nay hàng nghìn năm.

Yến Anh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những điểm du lịch xanh không thể bỏ qua trong dịp 30/4 – 1/5
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.