mau-be-xanh-luc-va-hong-dom-mau-huu-co-giam-gia-tao-nhanh-anh-bia-facebook-2-.jpg
mau-be-phu-kien-thoi-trang-danh-cho-nam-bai-dang-facebook-5-(1).jpg

* Sông Kim Ngưu dài chưa đến 10km chảy trong khu vực nội thành Hà Nội, đây là một dòng sông “chết” bởi nguồn nước ô nhiễm nặng, đi từ xa mùi hôi khiến người đi đường không chịu nổi, quanh năm nước sông đen đặc.

Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nhưng ngày nay chỉ còn chức năng duy nhất là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội. Dọc theo chiều dài dòng chảy có vô số các cửa cống xả nước thải trực tiếp xuống lòng sông mà không qua xử lý.

* Sông Tô Lịch với chiều dài khoảng 13,5km chảy qua các quận nội thành của Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Đây là sông được đánh giá là ô nhiễm nặng nhất Thủ đô.

Sông Tô Lịch xưa vốn từng là một phân lưu của sông Hồng, sau đó nhiều đoạn sông bị lấp dần nên sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố vì bị ô nhiễm nặng. Đến hiện tại nhiều đoạn đã được cống hóa.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm làm sạch dòng sông, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Theo thống kê mỗi ngày khoảng hơn 150.000m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý thông ⁿqua hơn 300 cống xả thải, xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch.

Qua các cửa xả này, sông Tô Lịch tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư, cơ sở kinh doanh, bệnh viện… Ở giữa sông, rác nổi bề mặt dù vẫn được công nhân thu dọn hằng ngày; nước sông chảy chậm cho thấy lưu lượng tiêu thoát không hề cao.

Đã có đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch.

bai-dang-mang-xa-hoi-bao-ve-moi-truong-anh-ghep-anh-mau-xanh-la-1-.jpg

* Sông Lừ dài khoảng 10km, lòng sông rộng từ 10 đến 20m, chảy qua các phường Nam Đồng, Quang Trung, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa), Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai). Theo thống kê, mỗi ngày có 55.000m3 nước thải chưa xử lý xả ra dòng sông này.

Dù đã qua nhiều lần cải tạo và không ít giải pháp khắc phục nhưng mức độ ô nhiễm của sông Lừ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Với những người dân sống gần sông Lừ, chưa bao giờ họ hết ám ảnh trước lòng sông sánh đen, bốc mùi hôi thối quanh năm. Để sống chung với ô nhiễm, nhiều hộ dân đã phải ứng phó bằng cách đóng cửa kín mít, hoặc sơ tán sang nhà người thân ở nơi khác, đặc biệt là vào mùa hè và lúc trở gió.

* Sông Sét dài hơn 3,6km, vốn là một trong những con sông thoát nước quan trọng của quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội). Sông được hình thành từ một phần lưu của sông Kim Ngưu, tách khỏi sông Kim Ngưu ở Phương Liệt; tại chỗ sông Sét tách ra, sông Kim Ngưu đổi hướng chảy lên phía Bắc tới khu vực hồ Bảy Mẫu và đầm Kim Liên, còn sông Sét chảy về phía Nam.

Từ lâu, khu vực đoạn cuối dòng sông Sét, đối diện với hồ Yên Sở bị dồn ứ nhiều rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn đổ về. Vì không được thường xuyên dọn dẹp, vớt rác lên khỏi mặt nước, nơi đây bốc mùi hôi thối khó chịu, đặc biệt vào thời điểm nắng nóng như hiện nay

Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, mặt nước của đoạn sông Sét bị ô nhiễm có đủ các loại rác thải sinh hoạt từ túi nilon, các loại bao bì, thùng xốp đến các hộp nhựa, chai lọ, hộp giấy… bao phủ dày đặc khắp một phần mặt nước rộng lớn. Dòng nước sông mang một màu đen kịt cùng với lượng lớn rác thải khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.

Không chỉ vậy, hai bên bờ sông cũng ngập tràn rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng kéo dài đến hàng mét, đổ tràn ra lối đi. Mặc dù, chính quyền địa phương đã bố trí đặt biển cấm đổ rác và mức xử phạt vi phạm nhưng một bộ phận người dân thiếu ý thức vẫn mang rác đổ trộm tại khu vực này.

mau-be-phu-kien-thoi-trang-danh-cho-nam-bai-dang-facebook-6-.jpg

Tình trạng ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn thủ đô không phải bây giờ mới được đề cập. Những dòng sông trong nội đô nêu trên từng tạo nên tuyến giao thông đường thuỷ, cảnh quan mặt nước hấp dẫn trong quá trình phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là đến nay chúng chủ yếu tồn tại với chức năng “thoát nước thải” và dòng chảy chỉ "sống" lại một thời gian ngắn sau khi có những trận mưa lớn.

Các dòng sông ở Hà Nội đều chịu một lượng xả thải lớn từ sinh hoạt của các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dần trở thành ao tù chứa nước thải. Cộng thêm tác động từ biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan nắng nhiều mưa ít, một số con sông gần như không có dòng chảy, mùa khô chỉ còn vài chục cm nước. Màu đen vì thế càng thêm quánh đặc và mùi hôi thối cũng trở nên nồng nặc hơn.

TS. Lê Xuân Thái - Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: Các dòng sông lớn ở Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Lừ đang bị ô nhiễm rất nặng. Biểu hiện rõ nhất ở màu nước sông. Quanh năm các sông có màu đen kịt, những ngày mưa nước đục, nhiều đoạn gần miệng cống, bọt trắng xuất hiện cùng với đó là mùi hôi, khó chịu. Đây là kết quả của quá trình phản ứng kị khí lâu dài của nguồn chất thải, nước thải không được thu gom, xử lý xả thẳng xuống lòng sông, lâu ngày tích tụ lại gây mùi xú uế. Tiếp đến là các hệ sinh thái dọc 2 bờ sông cũng như trong lòng sông (hệ sinh thái dưới nước) gần như là không còn. Nếu đi dọc những con sông này gần như không bao giờ có thấy các loài tôm, cá xuất hiện.

mau-sac-truong-hoc-du-an-anh-ghep.jpg

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn chiều ngày 17/4/2024, đoạn sông Kim Ngưu mặt trước siêu thị điện máy HC, 411 đường Tam Trinh, P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hoàng Mai, đi từ xa đã thấy mùi hôi nồng nặc bốc lên, nước sông đen đặc, rác thải nổi trên mặt nước. Đoạn sông ngắn nhưng có rất nhiều cống xả nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống lòng sông. Nhiều cống thoát nước, rác đọng lại, không được khơi thông nên dòng chảy bị chặn lại. Thời tiết nắng nóng càng làm không khí khu vực này trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại 4 con sông trên.

Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm "sống lại" các dòng song để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt.

Ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo UBND TP Hà Nội thường xuyên kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông; tăng cường kiểm tra, giám sát và thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Câu chuyện giải cứu “những dòng sông chết” ở Hà Nội cũng được bàn không ít lần, cả trong hội thảo lẫn trên diễn đàn của Hội đồng Nhân dân thành phố, thậm chí là ở Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã, đang được tiến hành với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư. Ví dụ: đối với sông Tô Lịch, bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao... Và người ta từng nói tới viễn cảnh một ngày nào đó sông Tô Lịch sẽ trở thành "công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".

Tuy nhiên, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hàng trăm ống xả thải trực tiếp, tới nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh. Và khi mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước chưa hoàn thành, viễn cảnh sông Tô Lịch trở thành công viên vẫn cứ xa vời. Câu chuyện khá tương tự cũng xảy ra với sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Nhuệ. Kết quả mang lại khó có thể nói là khả quan khi người dân nơi đây vẫn kêu trời và phải “sống mòn” cùng ô nhiễm.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho biết: Đến nay, Hà Nội cũng đã có một số nhà máy xử lý nước thải như trạm xử lý nước thải Yên Xá nhưng vẫn đang trong giai đoạn thi công và hoàn thiện. Việc thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, việc hồi sinh các dòng sông bị ô nhiễm của Hà Nội vẫn đang trong quá trình thực hiện. Do đó Hà Nội cần quan tâm và ưu tiên cho những giải pháp lâu dài, cần sự vào cuộc của các ngành, người dân cũng như việc huy động mọi nguồn lực làm sống lại các dòng sông “chết”

mau-xanh-la-mau-trang-toi-gian-mang-xa-hoi-thong-tin-ux-ui-hinh-vuong-bai-dang-instagram.jpg

Cùng chung ý kiến với PGS TS Đào Trọng Tứ về vấn đề này, PGS TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, vấn đề xử lý nước thải của Hà Nội được dư luận, nhân dân rất quan tâm. Nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. “Những dòng sông nội đô như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… đều trở thành những dòng sông “chết” vì nước thải sinh hoạt của người dân”, bà An nói.

Theo bà An, vấn đề đặt ra ở đây là việc thu gom nước thải dọc các con sông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn thiện. “Nếu thu gom được hết nước thải sinh hoạt và đưa về nhà máy xử lý thì sẽ giải quyết được vấn đề”. Cùng với đó, theo bà An, phải kiên quyết yêu cầu các khu, cụm công nghiệp xử lý nước thải trước khi xả thải ra hệ thống chung của thành phố.

Các chuyên gia cho rằng để hồi sinh những “dòng sông chết” ở Hà Nội không phải câu chuyện một sớm một chiều, cần phải có nguồn lực đủ mạnh, sự vào cuộc, chung tay của chính quyền, các ngành, địa phương và người dân thành phố cũng như nguồn xã hội hóa để phát triển Thủ đô bền vững, văn minh.

mau-be-phu-kien-thoi-trang-danh-cho-nam-bai-dang-facebook-7-.jpg

Phục hồi chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP Hà Nội, gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17 nhiệm kỳ 2020-2025, về xử lý vấn đề môi trường được UBND thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm và chỉ đạo các sở, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện tại Thông báo số 218/TB-VP ngày 20-5-2022 về tình hình triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, thực trạng xả thải ra các con sông và giải pháp thu gom xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...

Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm như dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường giai đoạn 1 và giai đoạn 2, bao gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; cải tạo nạo vét hồ nội thành; các nhà máy xử lý nước thải đầu tư, đưa vào vận hành: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày-đêm); dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày-đêm).

Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải theo quy hoạch và giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.

Việc hồi sinh các dòng sông ô nhiễm ở Hà Nội nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến, đề xuất của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý. GS, TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đặc điểm thoát nước của TP Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, cho nên đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Do vậy cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa. Bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để bảo đảm dòng chảy tự nhiên, làm cân bằng hệ sinh thái đồng thời cấp nước nông nghiệp vào mùa khô cho khu vực phía đông Hà Nội.

PGS TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho biết, để hồi sinh các dòng sông chết, không có cách nào khác là phải chặn nguồn nước thải. Nói đúng hơn là phải kiểm soát, xử lý nguồn thải trước khi đổ vào sông. Lượng nước thải khắp nơi hằng ngày vẫn đổ vào các con sông trong nội đô thì tình trạng ô nhiễm sẽ không những được cải thiện mà ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.

Nguyên tắc xử lý ô nhiễm các dòng sông chết là bắt buộc nước phải qua xử lý mới được đưa ra sông. Về mùa cạn thì phải dùng hệ thống bơm để tạo nguồn, tạo dòng chảy, tránh tình trạng lòng sông bị bồi lắng.

Trước đây cũng có một số nhà khoa học nghiên cứu đề xuất làm mấy con đập nâng mực nước sông Hồng, sông Đuống tạo nguồn cho sông đang bị ô nhiễm, tuy nhiên phương án này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Xây đập để dâng nước có thể làm tắc nghẽn dòng sông, cản trở giao thông thủy, dòng chảy bị thay đổi thì rất nguy hiểm.

Để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông.

mau-be-va-mau-kem-toi-gian-mot-tong-mau-ben-vung-tai-noi-lam-viec-bai-dang-instagram-bien-doi-khi-hau.jpg

PGS TS Đào Trọng Tứ đặc biệt nhấn mạnh, nếu chỉ làm theo kiểu đối phó, nửa vời, Hà Nội sẽ không thể cải tạo, hồi sinh được các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực xã hội, chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế để việc phục hồi các dòng sông chết hiệu quả hơn.

Cùng chung quan điểm với PGS TS Đào Trọng Tứ, để làm giảm ô nhiễm của các dòng sông nội đô cần ngăn chặn nguồn nước thải ra sông, TS Lê Xuân Thái bày tỏ: Về vấn đề này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là chúng ta phải tách được các dòng chảy của nước thải đô thị (bao gồm cả nước thải sinh hoạt) vào hệ thống xử lý nước chung của Thành phố. Còn các dòng sông, ao, hồ chỉ chứa nước mưa chảy tràn của đô thị, kết hợp với các biện pháp xử lý đáy hồ, ao, sông cũng như 2 bên bờ để tiến tới tăng cường đa dạng sinh học cho diện tích mặt nước sông.

Cải tạo, hồi sinh các dòng sông ô nhiễm ở nội thành Hà Nội không phải là bài toán một sớm, một chiều, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông;... Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Việc đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong tháng 6 tới đây được kỳ vọng sẽ xử lý nguồn nước thải xả ra các dòng sông ở Hà Nội hiệu quả hơn. Từ đó, việc hồi sinh các dòng sông chết cũng nhanh hơn và được kỳ vọng các dòng sông sẽ sớm trong xanh trở lại, cá có thể bơi lội trong lòng những dòng sông.

cd470204627bc2259b6a.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những dòng sông “chết” chảy giữa lòng Hà Nội