Những làng nghề truyền thống ở Quảng Bình vào vụ Tết Qúy Mão

Minh Tâm|18/01/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quảng Bình là một địa phương có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành, phát triển từ xa xưa và lưu truyền cho đến ngày nay. Người Quảng Bình luôn tự hào với các làng nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương mình. Ngoài giá trị kinh tế, mang lại thu nhập, mỗi sản phẩm do làng nghề truyền thống làm ra còn thể hiện được tinh hoa, bản sắc văn hoá của mỗi vùng quê.

Làng hương trầm Quyết Thắng vào vụ Tết

Làng Quyết Thắng (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) là một trong những làng nghề làm hương trầm nức tiếng tại Quảng Bình. Trong những ngày cuối năm, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có dịp về đây để tham quan, cảm nhận được hương vị Tết đang đến gần bởi mùi thơm nức của hương trầm.

Trên con đường dẫn vào làng Quyết Thắng, người dân tất bật, hối hả chuẩn bị hương trầm phục vụ cho gia đình và nhu cầu thị trường dịp Tết. Dạo quanh con đường liên thôn, nhiều vạt hương nối tiếp nhau phơi trong nắng và gió. Nhiều hộ gia đình đang hối hả phơi hương cho kịp thời tiết, và tự tay làm hết các công đoạn để sản xuất hương trầm, nhiều hộ gia đình đã chuẩn bị xong cho chuyến hàng dịp Tết. Mùa hương trầm bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch, nhưng đến cuối tháng 11 Âm lịch mới là khoảng thời gian rộn ràng nhất cho bà con trong xóm.

Theo các cụ cao niên ở làng Quyết Thắng, nghề hương trầm ở đây đã có từ hàng trăm năm trước, không ai biết chắc chắn từ năm nào nhưng được lưu truyền, phát triển đến bây giờ. Với bí quyết riêng biệt tạo nên mùi hương rất đặc trưng, làng hương trầm Quyết Thắng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng hàng chục năm nay. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu làng nghề hương trầm Quyết Thắng, người dân sử dụng bột sắn làm chất kết dính tự nhiên, không sử dụng keo công nghiệp, nhờ đó mùi hương thoảng nhẹ dễ chịu, một mùi hương đặc trưng của hương vị truyền thống của Tết cổ truyền tại nhiều địa phương ở Quảng Bình.

Để làm ra được sản phẩm hương trầm thơm nức tiếng, phục vụ cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, người dân phải chuẩn bị hết sức chu đáo nguyên liệu để phục vụ công việc sản xuất.

Quá trình làm hương trầm cũng rất cầu kỳ, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến quấn hương và phơi hương. Với chân tre, người làng nghề cần khéo léo, tỉ mẩn tìm những cây tre non, ngâm trong nước khoảng 2 tháng rồi phơi khô và chẻ nhỏ. Những chân tre thành phẩm cho thẻ hương nhỏ đều tăm tắp, nhỏ nhắn.

Thứ đến, bột tre màu vàng nâu óng được chuẩn bị từ lá hương, bột trầm. Người dân phải chuẩn bị tre, lấy lá về phơi khô, xay nhỏ rồi dùng chất kết dính đắp bột hương xung quanh cây nhang. Qua 2 lần lá, lớp ngoài cùng của cây hương là bột trầm.

Ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết : “Thôn Quyết Thắng hầu hết các hộ dân đều làm nghề hương trầm và từ đó đến nay, bà con phấn khởi và mở rộng quy mô sản xuất, hàng hóa được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Cứ mỗi dịp Tết nên thu nhập của các gia đình làm hương trầm đạt từ 30-50 triệu đồng. Hương trầm Quyết Thắng được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận Làng nghề truyền thống vào năm 2015”.

lang-nghe-truyen-thong-1.png
Ðể làm ra được sản phẩm hương trầm thơm nức tiếng, phục vụ cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, người dân phải chuẩn bị hết sức chu đáo nguyên liệu để phục vụ công việc sản xuất

Bánh tráng Tân An – thương hiệu OCOP

Làng Tân An nằm bên bờ sông Gianh, thuộc xã Quảng Thanh – thị xã Ba Đồn, là làng nghề chuyên sản xuất bánh tráng. Theo người dân nơi đây, làng nghề bánh tráng này đã có hơn 100 năm, trải qua bao thế hệ và trở thành nghề truyền thống tại địa phương. Thương hiệu bánh tráng làng Tân An đã được phổ biến rộng rãi trong và ngoài tỉnh, một số cơ sở sản xuất bánh tráng đã mang thương hiệu OCOP, được bày bán khắp các chợ, siêu thị và quán ăn.

Bánh tráng Tân An là loại thực phẩm phục vụ nhu cầu quanh năm, cứ mỗi độ gần Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng lại tăng cao, người dân lại tất bật bắt tay vào công việc với cường độ cao để phục vụ nhu cầu Tết. Bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch, các cơ sở sản xuất bánh tráng làng Tân An lại nhộn nhịp sản xuất để kịp thời cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán.

Bánh tráng Tân An có 2 loại, loại bánh tráng truyền thống và bánh ram. Nguyên liệu để làm bánh truyền thống gồm bột gạo pha trộn bột sắn và các loại gia vị. Bánh tráng có màu trắng, điểm thêm lấm chấm những hạt mè đen, mè vàng. Bánh ram được làm từ bột gạo pha lẫn bột bắp, bánh có màu vàng cam.

Để sản xuất ra những mẻ bánh chất lượng tốt, thơm ngon và không dễ vỡ khi vận chuyển đòi hỏi người thợ phải kỹ lưỡng trong từng công đoạn sản xuất. Gạo để sản xuất bánh phải là loại gạo ngon, thơm, không quá khô, được xay nhuyễn thành bột nước sau đó trộn lẫn với bột sắn để tạo nên độ dẻo dai của bánh. Sau khi chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh, người thợ bước vào công đoạn tráng bánh. Bột được đổ và dàn đều lên mặt vải căng trên nồi hơi để bánh chín bằng hơi nước. Khi bánh chuyển sang màu đục thì người thợ dùng ống tre nhấc ra, trải đều lên phên rồi đem đi phơi. Ngày nay, nhiều hộ gia đình đã chuyển từ bếp củi truyền thống sang dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng quy mô, sản lượng sản xuất.

Tiếp theo, người thợ bắt đầu đưa bánh đi phơi, nếu nắng to, mỗi mẻ bánh chỉ cần phơi khoảng chừng 2 - 3 tiếng là đạt yêu cầu. Sau khi phơi khô, bánh được lấy ra khỏi phên, đóng gói và mang đi tiêu thụ. Bánh thành phẩm là bánh có màu trong, cầm trên tay thấy mịn và không bị lồi lõm.

Hiện tại, làng có hơn 260 hộ sản xuất, mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn gạo nguyên liệu. Bánh làm quanh năm nhưng vụ Tết là được kỳ vọng nhất, sức mua tăng, sản lượng tiêu thụ gấp đôi, gấp ba ngày thường. Tại một số cơ sở trong làng đang làm việc hết công xuất để trữ hàng phục vụ nhu cầu Tết, phòng trường hợp cháy hàng, lượng hàng sản xuất ra không đủ để cung ứng cho người tiêu dùng.

Bà Phan Thị Cẩm Tú (làng Tân An) hiện tại có hơn 10 lao động đang làm việc hết công suất. Dịp Tết, khối lượng công việc nhiều, cơ sở tạo thêm công việc, thu nhập cho người lao động, mang lại cái Tết ấm no hơn. Bánh tráng của gia đình bà đã được công nhận thương hiệu OCOP. “Thường ngày, chúng tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để bắt đầu làm việc, mỗi ngày cơ sở sản xuất được 3 mẻ bánh với khoảng từ 6.000 - 7.000 chiếc bánh. Giá thành mỗi bánh rơi vào từ 2.000 - 3.000 đồng.

Theo lãnh đạo UBND xã Quảng Thanh, những năm gần đây, nhiều hộ làm bánh tráng đã nắm bắt được thị trường từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường. Những ngày cuối năm, khắp đường làng, ngõ xóm tại Tân An đều được tận dụng để phơi bánh, nghề làm bánh tráng đã tạo nên nguồn thu nhập bền vững, nuôi sống bao thế hệ con người và hơn hết người làng Tân An vẫn “giữ lửa” nghề truyền thống của cha ông, hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

langnghe-truyen-thong-2.png
Phương pháp chong đèn “nuôi” hoa là một kỹ thuật phổ biến của người trồng hoa nhằm biến đêm thành ngày, giúp cây nhanh phát triển

Chong đèn “nuôi” hoa mong vụ Tết bội thu

Trong những ngày tháng 11 dương lịch, người dân phường Quảng Long - thị xã Ba Đồn đã tiến hành xuống giống để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Năm nay, người dân xuống giống có phần muộn hơn so với những năm trước. Với người trồng hoa, Tết Nguyên đán được xem là vụ mùa quan trọng và đáng mong chờ nhất trong năm. Để chăm sóc tốt cho vụ này, người dân thường hối hả ra đồng cả ngày lẫn đêm tưới nước, làm cỏ, bón phân, diệt trừ sâu bệnh để đảm bảo cho hoa sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài việc tích cực chăm sóc, bảo vệ hoa, người dân còn phải áp dụng thêm một phương pháp đặc biệt đó là chong đèn “nuôi” hoa. Đây là một kỹ thuật phổ biến của người trồng hoa nhằm biến đêm thành ngày, giúp cây nhanh phát triển.Theo người dân, việc sử dụng ánh sáng, không cho cây “ngủ” nhằm kích thích tăng trưởng. Cây hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp, cao lớn hơn, thân thẳng, đặc biệt là nở đúng thời gian theo ý định người trồng. Hệ thống bóng điện chiếu sáng cho ruộng hoa được lắp đặt với mật độ cách nhau từ 1,5 - 2m, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình để lựa chọn các loại bóng điện có công suất và mức độ tiết kiệm điện khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại bóng đèn có công suất từ 15 - 20W. Khi màn đêm vừa buông xuống, hàng nghìn bóng đèn điện đồng loạt được bật sáng, rực rỡ cả một vùng.

Là người có kinh nghiệm trồng hoa hơn 30 năm nay, bà Trần Thị Lịch (SN 1958, trú tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long) cho biết: “Sau khi xuống giống khoảng tầm 3 - 5 ngày, người dân bắt đầu chong đèn nuôi hoa. Khi cây đã phát triển ổn định thì ngắt chiếu sáng. Nếu ngắt đèn sớm thì hoa nở sớm, ngắt đèn muộn thì hoa nở muộn. Thông thường, người dân chong đèn từ 18 giờ hôm trước đến tận 5 giờ sáng hôm sau, liên tục trong vòng 25 - 30 ngày. Do thời gian chiếu sáng kéo dài và liên tục nên người dân phải chi trả phí sử dụng điện khá cao…”

Tỉ mỉ chăm sóc cho ruộng hoa, ông Trương Quốc Tuấn (SN 1968, trú TDP Trường Sơn, phường Quảng Long) cho biết : “Vụ mùa năm nay, gia đình ông gieo trồng khoảng 10.000 cây hoa các loại như hoa pha lê, cúc, hoa màu… trên diện tích khoảng 400m2. Năm nay, mưa bão ít nên khá thuận lợi cho người dân trồng hoa. Những năm trước, mưa lũ nhiều nên rất khó để cho hoa nở đúng dịp, nhiều hộ phải trồng đi trồng lại đến 3 lần”

Tương tự, hộ ông Phan Mạnh Hùng (SN 1958, trú tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long) cho biết : “Vụ mùa năm nay, gia đình ông gieo trồng khoảng gần 36.000 cây hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc và hoa màu. Theo tính toán, chi phí tiền điện chiếu sáng vụ này rơi vào khoảng 2 triệu đồng, đây không phải là một khoản tiền nhỏ đối với tôi nhưng đổi lại, thu nhập từ ruộng hoa mang lại là rất lớn, nếu hoa đạt chất lượng, được giá cao”.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sáu - Chủ tịch UBND phường Quảng Long cho biết: “Nghề trồng hoa trên địa bàn phường là một nghề mang tính thời vụ, nhưng mang lại thu nhập cao, gấp 5 - 6 lần sản xuất nông nghiệp thông thường. Vào vụ mùa Tết Nguyên đán, người dân thường sẽ “ăn, ngủ” cùng hoa, kỳ vọng được mùa, giá cao để đón Xuân ấm no, đủ đầy. Để phục vụ nhu cầu hoa dịp Tết Nguyên đán, năm nay, toàn phường có gần 100 hộ dân gieo trồng trên diện tích khoảng 20ha hoa các loại. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để mở rộng thêm diện tích trồng hoa và các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân”.

Ngoài làng hoa Quảng Long, còn những vùng trồng hoa truyền thống khác trên địa bàn tỉnh như Lý Trạch (huyện Bố Trạch), Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy)… , người dân cũng đang tất bật, hối hả vào vụ hoa Tết. Người dân ở đây họ cũng dùng kỹ thuật chong đèn nuôi hoa vào ban đêm, khung cảnh lung linh, sáng rực từ hàng ngàn ngọn đèn điện cùng lúc được thắp sáng trên những ruộng hoa khiến cho không khí Tết càng rạo rực, hứa hẹn một vụ mùa hoa Tết bội thu.

Nghề mây tre đan - Nét đẹp truyền thống người dân Thọ Đơn

Nằm bên tuyến Quốc lộ 1A, làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) nổi tiếng với nghề tạo ra những sản phẩm từ mây, tre, nứa… phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt. Hàng năm, nơi đây đã cung ứng ra thị trường hàng nghìn sản phẩm.

Theo người dân nơi đây, nghề mây tre đan đã có ở Thọ Đơn từ khoảng gần 400 năm trước và được “cha truyền con nối” cho đến ngày nay. Trải qua hàng chục năm với nhiều thay đổi, nhất là của cơ chế kinh tế thị trường, nhưng làng nghề vẫn đứng vững và phát triển. Từ những nan tre, thanh nứa rất đỗi gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã cho ra đời những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống.

Trước đây, sản phẩm của làng Thọ Đơn chủ yếu là các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày như: Thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá... Hiện nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân làng nghề đã tích cực cải tiến chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và nhu cầu sử dụng của khách hàng, tạo ra được nhiều sản phẩm dùng trong sản xuất ngư nghiệp. Sản phẩm của làng nghề Thọ Đơn đều bán rất chạy trong và ngoài tỉnh, được nhiều khách hàng tín nhiệm.

Để đưa một sản phẩm ra thị trường, những người thợ làng Thọ Đơn phải tỉ mẩn, khéo léo và nhẫn nại trong từng công đoạn. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế tác ra sản phẩm đều phải rất công phu. Đầu tiên người thợ phải tìm mua và chọn những cây tre, nứa thân to, thẳng vào các tháng rét để tránh mối, mọt… về cưa ra thành những khúc dài bằng nhau để làm nguyên liệu. Sau đó, số nguyên liệu này sẽ được chẻ thành những sợi nan có độ dày mỏng vừa phải rồi phơi khô. Khi nan và vành đã khô, người thợ sẽ lấy vào vót phẳng và đan chúng lại rồi tiến hành nứt, lận để tạo ra thành phẩm. Mỗi sản phẩm lại có một kỹ thuật đan khác nhau nên thời gian hoàn thành và giá trị sản phẩm cũng khác nhau.

Bà Lê Thị Hà (SN 1962, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) cho biết, bà bắt đầu làm nghề đan này từ khi còn là cô thiếu nữ 13 - 14 tuổi, đến nay đã có hơn 40 năm trong nghề, cốt lõi quyết định nên chất lượng sản phẩm là chất lượng tre nứa. “So với các làng nghề khác, nguồn tre mà người Thọ Đơn dùng rất đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm được cung ứng ra thị trường có độ bền, đẹp mang đặc trưng riêng, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng”, bà Lê Thị Hà tự hào nói.

Hiện nay, làng nghề Thọ Đơn có khoảng 510/887 hộ làm nghề đan lát, thu về hơn 24 tỷ đồng mỗi năm, tạo công việc, thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng đã được tư thương mang đi các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Hội An… và rất được khách hàng ưa chuộng.

Ông Trần Văn Dục - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ cho biết, hiện trên địa bàn phường có khoảng 70 cơ sở thu mua, phân phối sản phẩm đi các vùng trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. “Các hộ làm nghề đan lát đã đóng góp chung vào phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển làng nghề hơn nữa để phục vụ bà con nhân dân sản xuất. Nghề mây, tre đan thủ công ở Thọ Đơn tuy là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho người dân, ngoài giá trị về kinh tế còn giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống của cư dân”, ông Dục thông tin.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những làng nghề truyền thống ở Quảng Bình vào vụ Tết Qúy Mão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.