Những loại trái cây tốt nhất cho trẻ khi trời trở lạnh

Minh Anh (T/h)|19/11/2019 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết chuyển lạnh sẽ khiến trẻ bị thiếu nhiều vitamin để thích nghi với môi trường, nên cho trẻ ăn trái cây để tăng sức đề kháng, phòng chống và trị cảm lạnh, cảm cúm, ho, sốt…

Lê tính mát, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, dưỡng huyết, tiêu độc… cho cơ thể. Nước ép lê ngoài giúp trẻ giảm ho còn giúp giảm đau họng, chữa ho khàn tiếng và khô miệng, giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu khi cơ thể bị cảm.

Lượng vitamin và khoáng chất dồi dào có trong lê rất có lợi, đặc biệt là vitamin C – chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể chống lại những tổn thương của gốc tự do và giúp cơ thể giảm mệt mỏi, suy nhược. Cung cấp nước ép lê cho trẻ sẽ giúp bé tăng cường rất tốt hệ thống miễn dịch, gia tăng sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, phát triển khỏe mạnh.

Bưởi

Bưởi có khả năng hóa đờm, trị ho, kiện vị, tiêu thực, tiêu thũng, giảm đau, phù hợp với trẻ bị ho mạn tính, nhiều đờm, tiêu hóa kém. Vitamin C trong bưởi là một chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ và giúp cơ thể phát triển sức đề kháng chống lại các nguyên gây bệnh trong mùa đông và “quét dọn” các gốc tự do có hại. Các bệnh như cảm cúm, sốt, ho cũng sẽ được giảm bớt hiệu quả.

Trẻ bị tiêu chảy hoặc đang rối loạn tiêu hóa kém không nên ăn bưởi: Bưởi tính lạnh, khiến bé bị tiêu chảy ăn vào sẽ càng nghiêm trọng. Đồng thời, không cho trẻ ăn bưởi khi đang uống thuốc chống dị ứng vì có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim…

Quýt

Quýt không chỉ giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ mà còn có tác dụng trị đờm. Trời lạnh, trẻ dễ bị viêm phế quản cấp tính và mãn tính, ăn quýt giúp trẻ thông kinh, hoạt lạc, trừ đờm.

Táo

Táo có tác dụng sinh tân, ích tì, trị khát, trào ngược dạ dày. Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, do đó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và cảm lạnh. Khi bị ho, trẻ thường không có một giấc ngủ ngon. Vì thế, uống nước ép táo hoặc ăn một quả táo hấp cách thủy sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Nấu chín táo và cà rốt, sau đó cho trẻ ăn cùng với nước, sẽ giảm đáng kể tình trạng táo bón. Bản thân việc ăn táo mỗi ngày cũng giúp bổ sung chất xơ và có tác dụng rất tốt đối với cơ quan tiêu hóa của trẻ cũng như chống trướng bụng.

Kiwi

Một trái kiwi sẽ cho trẻ 230% lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày, cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường hấp thu sắt từ thức ăn và nhanh lành vết thương. Kiwi còn giúp ngừa táo bón, hen huyễn, giảm mỡ trong máu, giảm hình thành máu đông. Các chất chống oxy hóa và serotonin giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và phù hợp cho trẻ ăn vào mùa đông.

Kiwi có thể gây dị ứng và kích ứng da quanh miệng trẻ khi ăn. Triệu chứng dị ứng sẽ xuất hiện trong vòng 2 giờ sau khi trẻ ăn kiwi, bao gồm đau miệng, sưng môi, lưỡi, mặt và nôn ói, thậm chí có thể dẫn đến khó thở. Vì thế, để xác định trẻ có bị dị ứng hay không, bạn nên cho con dùng kiwi trước bữa ăn và nên thử với lượng nhỏ. Nếu trẻ không có phản ứng gì, hãy cho trẻ ăn kiwi như bình thường.

Mía

Mía giúp đẩy lùi cảm cúm, viêm họng, kháng virus, tăng cường hệ miễn dịch, phù hợp với trẻ đại tiện phân khô, tiểu tiện khó, ho do hư nhiệt trong mùa đông.
Nếu bạn mua nước mía cho trẻ ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ gây hại cho trẻ. Vì vậy cách tốt nhất để đảm bảo trẻ luôn được uống nước mía sạch và an toàn là tự ép nước mía cho con uống.

Lời khuyên

Mỗi ngày trẻ không nên ăn quá 3 loại trái cây vì lượng đường trong trái cây rất cao, ăn nhiều sẽ khiến trẻ chán ăn cũng như ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và sự hấp thụ các chất dinh dưỡng. Trẻ tạng nóng nên cho ăn trái cây tính mát như dưa hấu, lê, kiwi.

Đối với trẻ có hệ tiêu hóa kém, nên cho hoa quả vào nước ấm ngâm một lát rồi mới cho trẻ ăn để tránh việc hoa quả lạnh gây kích thích dạ dày, đường ruột của trẻ vào mùa đông. Nên cho trẻ ăn trước hoặc sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ để tránh làm ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những loại trái cây tốt nhất cho trẻ khi trời trở lạnh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.