Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo những số liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 là trên 7%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới và cũng cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng của lạm phát (2,7- 2,8%).
Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Ảnh minh họa
Dự báo của ADB là tương đối lạc quan, căn cứ vào sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, cộng thêm nữa là sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu và đầu tư cũng tăng liên tục rất mạnh trong 11 tháng qua khiến riêng tăng trưởng thương mại đã đạt con số kỷ lục là 11 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch thương mại của việt nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào năm nay hoặc có thể là hơn nữa.
Trong khi đó, trong báo cáo được công bố cuối tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.
Đánh giá về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu của WB khẳng định, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì nhờ khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 – cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với mức bình quân thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD/tháng. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình cũng là yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh với mức lương dần tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ.
Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đều cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, tác động của cuộc CMCN 4.0, sự giảm tốc của kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu.
Do đó, mặc dù Việt Nam có tiềm năng để duy trì thành công trong sự phát triển của mình, vẫn cần tiếp tục có những bước đi đúng đắn để nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.
Minh Anh (t/h)