Những năm Tuất trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Nguyễn Thanh|16/02/2018 02:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đại Việt Sử ký toàn thư và các tài liệu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng. Xuân mới “ôn cố tri trân” nhớ về những công lao to lớn của cha ông đi trước, để có được mùa Xuân dân tộc vinh quang, rạng rỡ hôm nay.

Năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức Lý Thái Tổ, mở đầu thời kỳ “vua sáng” bền vững lâu dài 215 năm (1010 – 1225)

Năm Tuất của buổi sơ khai – bình minh dân tộc

Theo truyền thuyết kể lại, vào đầu năm Nhâm Tuất 2879 trước Công Nguyên, Lộc Tục tức vị ở phương Nam, xưng hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lên làm vua, kết hôn với nàng Long Nữ là con gái của Động Đình Quân sinh ra Sùng Lãm. Lớn lên Sùng Lãm nối ngôi vua cha, xưng hiệu là Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ. Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, nửa lên rừng, nửa xuống biển phân chia đất nước mà cai quản. Dù lên rừng hay xuống biển, hễ nước nhà có việc là cùng nhau hợp sức lo.

Năm Tuất dưới các triều đại phong kiến

Năm Mậu Tuất 938, Ngô Quyền ở Đường Lâm là con rể của anh hùng Dương Đình Nghệ tiêu diệt tên phản quốc Kiều Công Tiễn, giết tướng Hoàng Thao, phá tan quân Nam Hán lập chiến công hiển hách trên dòng sông Bạch Đằng cuộn sóng, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc. Nhà chí sĩ Phan Bội Châu viết trong cuốn sử của mình đã tôn Ngô Quyền là “Ông Tổ trung hưng lần thứ hai của dân tộc ta”.

Năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở đầu thời kỳ “vua sáng” bền vững lâu dài 215 năm (1010 – 1225). Lý Công Uẩn vốn mồ côi, không có cha, được làm con nuôi nhà sư cổ pháp Lý Khánh Vân và là học trò xuất sắc của thiền sư Vạn Hạnh, coi trọng đạo lý, yêu nước, có tầm nhìn xa trông rộng. Việc trọng đại đầu tiên là Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra La Thành, đổi tên kinh đô mới là Thăng Long.

Cuối năm Canh Tuất, Lý Thái Tổ cho xây xong cung Thuỷ Hoa trong thành, đồng thời ban sắc dụ: Miễn thuế ba năm trên cả nước; tù binh Chiêm Thành bị bắt giam qua các cuộc chiến tranh trước đó được phát quần áo, lệ phí, tha cho về quê làm ăn lương thiện; minh oan cho án bị oan. Năm Nhâm Tuất 1022, Lý Thái Tổ thực hiện cải cách phong tục. Năm Nhâm Tuất 1082, nhà Lý chỉnh đốn việc học, cho lập Văn Miếu, mở Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho đất nước.

Năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, lập nên triều Lê cường thịnh. Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô – Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Lên ngôi vua được 5 năm thì Lê Lợi mất, dẫn tới triều đình nhiều kẻ tham quyền cố vị, tranh chấp quyền lực giàu sang, sát hại công thần. May sao đến lúc vua Lê Nhân Tông biết phân biệt lợi hại, phải trái, thấu nỗi ai oán của trăm họ, nắm lấy quyền hành năm Giáp Tuất 1454, nhà vua chỉnh đốn việc nước, cho rà soát lại các vụ án, khôi phục danh dự cho Trần Nguyên Hãn, truy tặng cho các công thần đã mất như Lê Lễ, Lê Triện, Lê Bị… Đối với Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi chiến thắng quân Minh, bị bọn gian thần tru di tam tộc thì năm Bính Tuất 1466, được vua Lê Thánh Tông – một ông vua tài giỏi xoá án oan khiên, khôi phục danh dự, được nhà vua đánh giá “là người trung thành – văn chương, đức nghiệp, các danh tướng bản triều không ai sánh kịp”.

37 năm trị vì đất nước của vua Lê Thánh Tông được các đời sau công nhận là đấng minh quân bậc nhất, có nhiều công lớn phát triển đất nước về nhiều mặt: văn hoá, kinh tế, lãnh thổ quốc gia, lập ra thời cường thịnh vẻ vang chưa đời vua nào làm được. Đời vua Lê Thánh Tông đã ghi những năm Tuất đáng nhớ: Bính Tuất 1466, sau mấy mùa miễn thuế, nhà vua ban luật thuế mới công bằng, nghiêm cấm phù thu lạm bổ; Năm Mậu Tuất 1478 sa thải bọn quan võ biền dốt nát, nông cạn làm hỏng việc quốc gia; Canh Tuất 1490 mở rộng thành Thăng Long, phát triển giao thông, giao thương thêm một bước.

Năm Mậu Tuất 1778, sau khi chiếm xong Gia Định, Nguyễn Nhạc xưng đế, đặt hiệu Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân; Năm Nhâm Tuất 1802 danh tướng của quân Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng từ Quy Nhơn kéo quân ra Nghệ An tiếp tục chống giặc.

Năm Tuất dưới chế độ thực dân Pháp

Năm Giáp Tuất 1874, triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Tuất công nhận chủ quyền của thực dân Pháp ở 6 tỉnh Nam Kỳ thì ở Nghệ An, Trần Tấn và Đặng Như Mai bất bình với hành động hèn nhát bán nước của bọn vua quan nhà Nguyễn cùng thái độ ngang ngược của thực dân Pháp, đã tập hợp các văn thân yêu nước đứng lên chống lại. Họ soạn thảo Hịch: “Bình Tây sát tả” đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước.

Năm Bính Tuất 1886, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp, cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Thanh Hoá làm suy yếu lực lượng của thực dân Pháp, thổi bùng lên ý chí bất khuất của dân tộc.

Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Sainteny, Pignon, Caput – Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Năm Tuất thời đại Hồ Chí Minh

60 năm sau, một sự kiện mà khi nghĩ đến năm Tuất trong truyền thống lịch sử của dân tộc, chúng ta không thể nào quên là năm Bính Tuất 1946. Vẫn là năm Tuất có 12 tháng nhưng nhiều sự kiện trọng đại đã liên tiếp nổ ra:

Ngày 1/1/1946, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời

Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử đầu tiên cả nước thành công tốt đẹp, tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân dân Nam Bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội khoá I họp kỳ thứ nhất thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta.

Ngày 6/3/1946, ký Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp.

Từ ngày 18/4 – 12/5/1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt.

Từ ngày 6/7 – 13/9/1946, đàm phán Việt – Pháp ở Fontaineblears.

Ngày 14/9/1946, ký tạm ước Việt – Pháp.

Ngày 19/12/1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tiếng đại bác nổ vang trời ở pháo đài Láng – Hà Nội mở màn cuộc kháng chiến “chín năm làm một Điện Biên”. Cụm từ Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ thành bất tử trong văn minh nhân loại.

Năm Mậu Tuất 1958, Bác Hồ cùng Chính phủ ở Thủ đô Hà Nội lãnh đạo nhân dân miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước. Đây cũng là năm ra đời câu nói nổi tiếng của Bác tại lớp học chính trị của ngành giáo dục: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người!”. Miền Bắc bước đi Phù Đổng, nối tiếp các tin vui Thác Bà, Việt Trì, Hải Phòng, Nam Định nâng cao gió Đại Phong, cờ Ba nhất… chuyển sang cấp bách xây dựng hậu phương lớn vì tiền tuyến lớn. Tháng 8/1964, chiến tranh bằng không quân Mỹ bắt đầu. Bước đi hậu phương hoà với tiền phương sục sôi khí thế cả nước đánh giặc cứu nước.

Ngày 28/7/1970 (năm Canh Tuất), Bộ Chính trị BCHTW Đảng ra Chỉ thị củng cố và xây dựng căn cứ địa cách mạng miền Nam; Ngày 17/9 tại phiên họp lần thứ 84 hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình nêu ra sáng kiến hoà bình 8 điểm và đến ngày 10/12 đưa ra đề nghị 3 điểm về ngừng bắn.

Năm Nhâm Tuất 1982, vào mùa Xuân, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V thành công tốt đẹp. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.

Năm Giáp Tuất 1994 là hành khúc dẫn dắt dân tộc ta bước vào chặng cuối của thế kỷ XX trên những tiền đề mới, thời cơ mới, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Năm Bính Tuất 2006, mở đầu thế kỷ XXI, đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng: tổng kết thành tựu 20 năm đổi mới xây dựng và phát triển; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM…

Năm Mậu Tuất 2018 với những sự kiện lớn: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân – 1968; Kỷ niệm 170 năm ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” (24/2/1848 – 24/2/2018); Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 – 2/2/2018); 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018); Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018); Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1908 – 3/12/2018) và các sự kiện khác của dân tộc.

Nguyễn Thanh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những năm Tuất trong lịch sử dân tộc Việt Nam