Dựa trên các công thức chế biến đang xuất hiện trên trang mạng xã hội, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Frances Largeman-Roth đưa ra dự đoán về những xu hướng thực phẩm lành mạnh sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm tới.
Rượu bia không cồn
Để giúp nâng cao nhận thức về vấn đề uống quá chén, một số phong trào “cai” rượu đang nổi lên – bao gồm Sober October và Dry January, trong đó người tham gia phải vượt qua thử thách không uống rượu bia trong vòng một tháng. Cũng với mục đích tương tự, các thức uống không cồn chỉ có điểm khác là vẫn mang lại cảm giác dễ chịu như khi uống rượu bia thật, nhưng không gây say cho người dùng.
Theo chuyên gia Elva Ramirez, làn sóng chuyển sang dùng thức uống không cồn bắt nguồn từ những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe và muốn có nhiều lựa chọn lành mạnh trong khi uống rượu bia.
Thức uống chức năng
Dịch COVID-19 đã nâng cao mối quan tâm của chúng ta đến sức khỏe tổng thể và thức uống là một cách nhanh chóng và dễ dàng để cung cấp các thành phần lành mạnh cho cơ thể. Đó là lý do tại sao rất nhiều người đang lựa chọn những sản phẩm thức uống đóng chai/lon, được hứa hẹn là có thể cung cấp nhiều lợi ích từ bổ trợ sức khỏe đường ruột cho đến giúp ngủ ngon hơn.
Ảnh minh họa.
Bằng chứng là trong khi doanh số nước giải khát truyền thống sụt giảm, thì các loại nước giải khát chứa chất xơ hòa tan, vốn tốt cho sức khỏe hơn, đã tăng lên. Tương tự, các loại thức uống chức năng khác – có sử dụng thảo mộc và hoạt chất chống căng thẳng tinh thần (stress) tự nhiên – cũng được nhiều người tin dùng, nhờ công dụng hỗ trợ miễn dịch và giảm stress.
Ăn chay bán phần
Mặc dù chế độ ăn chay linh hoạt (“flexitarianism”, chủ yếu ăn thực vật, thỉnh thoảng ăn thêm thịt, trứng và sữa) đã phổ biến trong những năm gần đây, nhưng chế độ ăn chay bán phần (reducetarianism) khác ở chỗ nó tập trung vào việc giảm dần tiêu thụ các sản phẩm động vật.
Ngày càng nhiều người sử dụng các sản phẩm dựa trên thực vật, ngay cả khi họ không ăn chay. Không chỉ vậy, các sản phẩm thịt thay thế ngày được cải thiện chất lượng, lành mạnh hơn cho sức khỏe người dùng. Vì thế, nhiều thương hiệu có kế hoạch tung ra các sản phẩm nguồn gốc thực vật để đáp ứng nhu cầu đó.
Giấm trái cây
Xu hướng sử dụng các loại giấm trái cây như một loại thuốc bổ sức khỏe thực sự tăng trưởng trong những năm gần đây. Đơn cử, nhờ công dụng nổi bật là hỗ trợ giảm cân và ổn định lượng đường huyết, giấm táo đang là thành phần trong nhiều loại đồ uống, viên bổ sung dưỡng chất.
Hiện nay, thị trường cũng xuất hiện nhiều loại giấm trái cây do người tiêu dùng đã dần quen với việc sử dụng giấm làm nguyên liệu nấu ăn.
Chống lãng phí thực phẩm
Nhằm chung tay chống biến đổi khí hậu, nhiều người tiêu dùng đang hành động ngay chính từ bữa ăn của họ – đó là chống lãng phí thực phẩm. Trong nỗ lực tương tự, các thương hiệu tên tuổi cũng như các thương hiệu mới xuất hiện đặt mục tiêu chống lãng phí thực phẩm lên hàng đầu trong năm tới.
Đơn cử, Spudsy cho ra đời sản phẩm khoai tây chiên mới, giúp tận dụng khoảng 1 triệu củ khoai xấu xí thường bị loại bỏ trong sản xuất (tính tới cuối năm 2021). Còn Otherworld mới ra mắt sản phẩm bánh kếp và bánh kẹp làm từ thực vật, bằng cách sử dụng bông cải trắng, củ dền, chuối, táo và nhiều trái cây khác mà lẽ ra đã bị thải bỏ.
Thực phẩm hỗ trợ trí não
Nhiều sản phẩm mới ra mắt gần đây đều hứa hẹn giúp người tiêu dùng có được một bộ não khỏe mạnh. Mới đây, Phòng thí nghiệm Đổi mới Thực phẩm Bắc Carolina cùng với Đại học Bang Bắc Carolina (Mỹ) đã phát triển sản phẩm Memore – một chất bổ sung dạng bột được giới thiệu là giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tới 54%.
Memore được làm từ các thành phần thực vật có lợi ích hỗ trợ não bộ, như trái việt quất, củ dền, cải bó xôi và khoai lang. Ý tưởng đằng sau sản phẩm này là giúp người tiêu dùng nạp đủ các loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng trong chế độ ăn hằng ngày, thông qua việc thêm loại bột này vào sinh tố hoặc khuấy vào nước uống.
Kim Anh