Ninh Thuận chủ động ứng phó hạn hán, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và dân sinh
Trước nguy cơ thiếu nước trong vụ Hè Thu 2025, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời xây dựng phương án điều tiết hợp lý, khuyến khích chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết.
Hiện tại, nguồn nước hồ Đơn Dương và một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc, gia cầm trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, nguồn nước sản xuất vụ Hè Thu năm 2025 được dự báo rất khó khăn, diễn biến tình hình thời tiết vẫn rất khó lường, cực đoan, không theo quy luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng thông tin, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2025; trong đó, ưu tiên hàng đầu là cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân và các ngành kinh tế trọng điểm, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không hộ dân nào bị thiếu đói.
"Tùy thuộc vào tình hình thực tế, đặc biệt là lượng nước tích trữ tại hồ Đơn Dương và các hồ chứa trên địa bàn, tỉnh xây dựng phương án sản xuất vụ Hè Thu 2025 một cách hợp lý và hiệu quả; khuyến cáo nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước", Phó Chủ tịch Trịnh Minh Hoàng cho biết.
Theo dự báo, từ nay đến tháng 6 nếu không có mưa, 5 khu vực trên địa bàn các huyện có nguy cơ thiếu nước gồm các nhà máy cấp nước Cầu Gãy - Vĩnh Hy, Tà Nôi, Hòa Sơn, Ma Lâm và Phước Bình. Các giải pháp xử lý sẽ khơi thông dòng chảy các con suối, tích trữ nước, vận chuyển nước bằng xe bồn, sử dụng giếng bơm tay và bơm nước từ các kênh, sông. Trong trường hợp tình trạng thời tiết không có mưa kéo dài đến tháng 8, dự kiến 3 khu vực khác là Ma Nới, Gia Hoa và Tập Lá cũng sẽ chịu ảnh hưởng; giải pháp chính là tăng cường vận chuyển nước bằng xe bồn và cấp nước bổ sung từ các nhà máy nước lân cận.
Tính đến ngày 28/3, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt 263,75 triệu m3, chiếm 63,1% so với dung tích thiết kế (riêng hồ ông Kinh ở huyện Ninh Hải đã hết nước). Nguồn nước từ các hồ chứa trong tỉnh, cùng với lưu lượng xả từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và hồ Đơn Dương hiện nay đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, các ngành kinh tế trọng điểm và cây trồng lâu năm. Lượng nước còn lại sẽ được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2025 với hai phương án tùy thuộc vào tình hình thời tiết.
Trong trường hợp từ nay đến cuối tháng 5 có mưa, dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt trên 50% dung tích thiết kế sẽ được điều tiết để tưới tiêu cho hơn 28.847 ha đất nông nghiệp; trong đó, có hơn 13.748 ha lúa và hơn 15.098 ha cây màu. Diện tích này bao gồm khu tưới của 23 hồ chứa, toàn bộ hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số khu vực thuộc hồ, đập nhỏ do huyện quản lý.
Ngược lại, nếu từ nay đến cuối tháng 5 trên địa bàn không có mưa, các hồ không có lượng nước bổ sung và hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3, tỉnh Ninh Thuận sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 19/23 hồ chứa (trừ các hồ Ma Trai, Bà Râu, Bầu Zôn, Ông Kinh), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý với tổng diện tích tưới tiêu sẽ là hơn 22.059 ha, bao gồm hơn 11.775 ha lúa và hơn 10.283 ha cây màu.
Để thực hiện hiệu quả các phương án đề ra, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các huyện, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu; các chủ trương, giải pháp của tỉnh trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân.
Các địa phương chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng vụ Hè Thu năm 2025 phù hợp với điều kiện; hướng dẫn nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ bà con nông dân trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết, lượng mưa trong thời gian tới; đồng thời, thường xuyên phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2025 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn bảo đảm hiệu quả.
Cùng với đó, tỉnh tổ chức nạo vét các kênh mương, gia cố các bờ đập, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất; tăng cường rà soát có giải pháp phù hợp duy trì hoạt động các tổ PIM để tổ chức quản lý, điều tiết nước hợp lý tại từng cánh đồng, vùng sản xuất, tránh tình trạng lãng phí nguồn nước.