Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình trồng rừng trên núi đá khô hạn

Minh Châu|13/05/2021 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam nằm trên địa bàn huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận đã thành công trồng phủ xanh núi đá bằng cây thanh thất, được biết đây là nơi có khí hậu khô hạn nhất tỉnh, đất đai khô cằn, bạc màu.…

Với khí hậu khô nóng quanh năm, trồng rừng ở Ninh Thuận vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, trồng rừng trên núi đá lại càng khó khăn gấp bội phần. Thế nhưng với nỗ lực nghiên cứu và quyết tâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã làm nên kỳ tích trồng phủ xanh núi đá bằng cây thanh thất. Loại cây đặc biệt này không chỉ cải thiện tốt môi trường mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Cây Thanh thất có khả năng chịu được khí hậu khô hạn được trồng nhân rộng trên vùng núi đá

Cây Thanh thất có tên khoa học là Ailanthus triphysa (Dennst), thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae), là một loài cây bản địa phân bố ở các khu vực rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Cây Thanh thất là cây ưa sáng, mọc ở ven rừng, sinh trưởng nhanh, có khả năng chịu hạn tốt. Năm 2015, Ban quản lý rừng PHVB Thuận Nam đã triển khai trồng thí điểm mô hình cây Thanh Thất hỗn giao với cây Căm Liên, Cà chí, với diện tích 05 ha, sau khi trồng xong, qua theo dõi thì trong 03 cây trồng, chỉ còn duy nhất cây Thanh Thất là phát triển được, không bị gia súc cắn phá, còn 02 loài cây (Căm Liên, Cà Chí) đã bị gia súc cắn phá và chết do nắng hạn. Sau 01 năm triển khai kết quả cho thấy cây Thanh thất phù hợp phát triển trên vùng núi đá khô hạn.

Trồng rừng phòng hộ trên núi đá bằng loài cây Thanh Thất đã được người dân địa phương đồng tình và ủng hộ cao, vì việc trồng rừng phòng hộ trên núi đá để góp phần phủ xanh nhanh đất trồng đồi núi trọc và đặc biệt là người dân vẫn chăn thả gia súc dưới tán rừng; nhằm góp phần tăng thu nhập và ổn định kinh tế gia đình.

15 thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ hơn 450 ha rừng cho biết, vào mùa trồng rừng các thành viên có thêm việc làm là tham gia trồng cây thanh thất cùng Ban Quản lý rừng. Đồng thời, nhận khoán luôn bảo vệ rừng thanh thất và các loại rừng khác. Bình quân mỗi thành viên nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 400.000 đồng/ha/năm. Có nguồn vốn, các thành viên tổ cộng đồng mua gia súc chăn nuôi dưới tán rừng để phát triển kinh tế.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam đang giao khoán 2.147 ha rừng cho 4 nhóm cộng đồng với 78 hộ dân sống gần rừng. Các thành viên tham gia nhận khoán vừa bảo vệ, tuần tra, phòng chống cháy rừng vừa kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, tạo thành mô hình sinh kế bền vững.

Để đạt mục tiêu, Ninh Thuận đang huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình trồng rừng bằng cây thanh thất và các loại cây lâm nghiệp có khả năng thích ứng với khí hậu khô hạn, có giá trị kinh tế để áp dụng vào trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất tập trung.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình trồng rừng trên núi đá khô hạn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.