Hồ Nhật Nguyệt của Đài Loan trơ đáy vì hạn hán thế kỷ

Hồng Nhung|12/05/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đáy hồ Nhật Nguyệt cạn khô tại Đài Loan trở thành biểu tượng của trận hạn hán tồi tệ nhất trên hòn đảo này trong hơn nửa thập kỷ trở lại.

Đảo Đài Loan tiếp tục bị thiếu nước khi đang phải đối mặt với đợt hạn hán trầm trọng nhất trong 50 năm qua. Nhiều thành phố như Tân Trúc, Miêu Lật, Đài Trung, Chương Hóa bị buộc phải hạn chế sử dụng nước, trong khi các huyện Gia Nghĩa, Đài Nam, Cao Hùng cũng đang xem xét thực hiện phân phối nước.

Mực nước tại hồ Nhật Nguyệt xuống thấp kỷ lục, với một số khu vực bị khô cạn hoàn toàn. Những hình ảnh và video trên mạng xã hội tuần này cho thấy hồ nước trong xanh một thời giờ phơi đáy khô khốc, nứt nẻ, và bị so sánh như khung cảnh Mặt trăng hoang tàn.

Nhiều người dùng mạng đăng ảnh hồ trơ đáy cùng những dòng mô tả như “Đi thuyền trên cạn”, “Đồng cỏ hồ Nhật Nguyệt”.

Một người dùng Instagram hôm chụp được những bức ảnh gần khu định cư Ita Thao của người Thiệu bản địa cho thấy nước rút làm lộ ra chiếc thuyền truyền thống được làm bằng gỗ nguyên khối bị chìm 20 năm trước. Người dân đã buộc chiếc thuyền vào bờ và chờ nước dâng trở lại để trục vớt.

Người dùng Instagram “Tachunlo” cũng chụp được những bức ảnh lòng hồ bị khô. Theo người này, nguồn cấp nước ở khu vực xung quanh cầu cảng đã bị cắt hoàn toàn và các xe cứu hỏa được triển khai để cung cấp nước theo thời gian, địa điểm đã định.

Tình hình xung quanh hồ rất nghiêm trọng, khiến 6 bến tàu tạm đóng cửa do thiếu nước.

Đáy hồ Nhật Nguyệt khô cạn cuối tháng 4. (Ảnh: AP)

Wang Ying-shen, chủ tịch nhóm các tiểu thương cung cấp dịch vụ cho khách tham quan thuê thuyền quanh hồ Nhật Nguyệt, cho biết: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi giảm 90% so với năm ngoái”

Hạn hán kéo dài nhiều tháng làm nước trong con hồ tự nhiên lớn nhất của Đài Loan cạn kiệt. Một số phần của đáy hồ bắt đầu mọc cỏ. Những ụ nổi nay phải nằm trên bùn khô. Thuyền chở du khách bị bỏ một chỗ.

Lượng mưa trong 7 tháng đến hết tháng 2 thấp hơn mức trung bình trong lịch sử. Năm 2020 cũng là lần đầu tiên trong 56 năm hòn đảo này không gặp một cơn bão nào, theo nhà chức trách tại đây.

Giới chức trên hòn đảo gọi đây là trận hạn hán tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ. Trận hạn hán này gây sức ép cho ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan vì công ty sản xuất chip ở đây dùng rất nhiều nước để rửa công xưởng và đĩa bán dẫn. Đài Loan chiếm hơn 90% công suất chế tạo những con chip hiện đại nhất của thế giới.

Nông dân trồng lúa, rễ sen, và các hoa màu cần nước khác cũng chịu hậu quả. “Hoa sen và hạt giống tôi gieo xuống không cho năng suất tốt”, Chen Chiu-lang, một nông dân tại thành phố Đài Nam, nói trong lúc đứng giữa đồng ruộng khô hạn.

Hộ gia đình trong những vùng bị áp lệnh hạn chế cao độ sẽ không có nước sinh hoạt hai ngày mỗi tuần. Những vùng này bao gồm Đài Trung – thành phố lớn thứ hai của Đài Loan với 2,8 triệu người; Tân Trúc – một trong những nơi sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới; Đài Nam; và Cao Hùng.

Wang Mei-hua, người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan, cảnh báo các hạn chế trên có thể bị siết chặt.

Nhà chức trách đang đào thêm giếng và cho máy bay quân sự rải hóa chất tạo mây nhằm thúc đẩy mưa. Tháng 3, bà Wang đã phân bổ 2,5 tỉ tân đài tệ (tương đương 96 triệu USD) làm ngân sách cho khoan giếng và xây dựng các cơ sở khử mặn nước biển khẩn cấp.

Hồng Nhung

Bài liên quan
  • Rực rỡ làng hoa Sa Đéc ngày giáp Tết
    Moitruong.net.vn – Những ngày giáp Tết, đến “Vương quốc hoa miền Tây” – Làng hoa Sa Đéc sẽ chiêm ngưỡng được nhiều “kỳ hoa, dị thảo”. Mùa xuân cũng là mùa khoe sắc của hàng trăm loài hoa kiểng, góp phần làm cho Sa Đéc thêm lung linh và rực rỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hồ Nhật Nguyệt của Đài Loan trơ đáy vì hạn hán thế kỷ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.