Ninh Thuận khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo

Thùy Minh|07/05/2024 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát huy tiềm năng sẵn có, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) và xem đây là một trong những ngành trụ cột ưu tiên phát triển, hướng tới xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước.

Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển điện gió, điện mặt trời. Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ/CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước, tỉnh đã tập trung chuyển hướng chiến lược sang phát triển NLTT; nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, công trình hạ tầng truyền tải, trạm biến áp được đầu tư hoàn thành.

Theo Sở Công thương, tính Ninh Thuận đến nay, trên địa bàn tỉnh có 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.576,85MW, 17 dự án điện gió với tổng công suất 890,75MW. Qua thực tế phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT đã xuất hiện nhiều mô hình kết hợp phát triển năng lượng với các ngành khác nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh; đã tạo ra nhiều việc làm, đóng góp ngân sách cho địa phương. NLTT đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 4.600 lao động, chiếm 2,3% lao động đang làm việc trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

nang-luong-tai-tao.png
Năng lượng tái tạo giúp thúc đẩy nhiều mặt kinh tế - xã hội tại Ninh Thuận

Các dự án NLTT sau khi hoàn thành đi vào hoạt động không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh, tạo động lực và đòn bẩy để KT-XH của tỉnh bứt phá; đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; tỷ trọng ngành năng lượng trong GRDP của tỉnh tăng dần qua các năm. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhất là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, làm suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, ngành năng lượng vẫn tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tỷ trọng ngành năng lượng chiếm trên 21% trong GRDP và đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh. Trong năm 2023, mặc dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng khâu đột phá về NLTT tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng; các dự án năng lượng đang triển khai và hạ tầng truyền tải điện, đã khai thác 485MW dự án năng lượng chuyển tiếp tạo năng lực mới tăng thêm, ngành năng lượng tăng 16,14%, đóng góp 2,59% GRDP. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã thể hiện việc chuyển hướng chiến lược sang phát triển NLTT là khâu đột phá là hướng đi đúng đắn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “tăng trưởng xanh”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước, thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng động lực như: Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, các dự án điện gió, điện mặt trời. Mặt khác kiến nghị trung ương sớm ban hành cơ chế phát triển NLTT giai đoạn mới, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kêu gọi và triển khai đầu tư các dự án NLTT.

Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cho biết: Trong năm 2024, tỉnh tập trung triển khai Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước gắn với Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 120MW dự án năng lượng chuyển tiếp và triển khai nhanh cơ chế đấu thầu giá điện, lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công các dự án với tổng công suất 275MW. Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là phát huy hiệu quả tiềm năng về phát triển năng lượng, NLTT, tỉnh sẽ kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng Phước Hòa, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất Hydrogen. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng đã có trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu trong quý II/2024 lựa chọn và phê duyệt nhà đầu tư dự án LNG Cà Ná. Bên cạnh đó, kiến nghị bộ, ngành trung ương liên quan ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng hệ thống đường dây, hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV.

Theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, NLTT chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới; phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, NLTT tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh.

Bài liên quan
  • Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược
    Thăm, làm việc và chúc Tết cán bộ, công nhân viên, người lao động Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam-PTSC, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng yêu cầu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược. Đây là thách thức và cơ hội phát triển của Việt Nam khi chuyển đổi mô hình phát triển sang năng lượng xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn. Việc làm chủ công nghệ xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo ngoài khơi, góp phần giúp ngành dầu khí Việt Nam có th

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo