Công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng kỷ lục trong năm 2023

Tô Anh|12/01/2024 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, năm 2023 năng lượng tái tạo đã đưa thế giới tiến gần đến mục tiêu tăng gấp ba công suất toàn cầu vào năm 2030, sau khi Trung Quốc thúc đẩy mức tăng 50%.

Theo số liệu từ IEA, năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng 50% lên 510 gigawatt (GW) vào năm 2023, năm thứ 22 liên tiếp công suất năng lượng tái tạo lập kỷ lục mới. Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm 75% công suất mới.

nanluontaitao.jpg
Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu tăng với tốc độ nhanh nhất được ghi nhận trong 20 năm qua vào năm 2023

IEA ghi nhận sự tăng trưởng lớn nhất về năng lượng tái tạo tại Trung Quốc, quốc gia đã vận hành nhiều quang điện mặt trời vào năm 2023. Công suất năng lượng mặt trời trong năm 2023 nước này vận hành tương đương với mức của toàn thế giới trong năm 2022. Công suất điện gió tại Trung Quốc cũng tăng 60% trong năm 2023 so với năm trước đó. Báo cáo của IEA cũng cho biết, sự gia tăng công suất năng lượng tái tạo ở châu Âu, Mỹ và Brazil... cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.

IEA cho biết thêm, sự tăng trưởng “ngoạn mục” mang đến “cơ hội thực sự” để các chính phủ toàn cầu đáp ứng cam kết đã được nhất trí tại Hội nghị khí hậu COP28 vào tháng 11 năm ngoái nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Việc tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo toàn cầu vào cuối thập kỷ này để cắt giảm lượng khí thải carbon là một trong năm mục tiêu khí hậu chính nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, cùng với việc tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm lượng khí thải mêtan, chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và tăng quy mô tài chính cho các ngành mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo, tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Brazil, việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên bờ đến hết năm 2028 sẽ hơn gấp đôi so với 5 năm qua. IEA kỳ vọng, công suất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2028 tại 130 quốc gia sẽ tăng 3.700 GW, với năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm phần lớn.

IEA cho biết, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch phải giảm 25% vào cuối thập kỷ này để thế giới có thể hạn chế thành công sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu lý tưởng của Thỏa thuận Paris 2015. Cơ quan khoa học của Liên hợp quốc đã phát hiện ra rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất là 1,1 độ C và thế giới đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng kỷ lục trong năm 2023