(Moitruong.net.vn) – UBND Tp. Hà Nội ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.
Thanh tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2018: Số mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè; ô nhiễm vi sinh trong thịt; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi giảm 10% so với năm 2017. 100% cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) các cấp được tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP.
100% các thông tin phản ánh về mất ATTP nông, lâm, thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời. 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng thành phố quản lý được tập huấn, phổ biến kiến thức và thực hành đúng về bảo đảm ATTP. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản kiểm tra đạt yêu cầu (xếp loại A, B) về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2017.
Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP) được nâng hạng A, B tăng 10% so với năm 2017. Khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đảm bảo ATTP.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, ngoài việc hoàn thiện xây dựng cơ chế chính sách; tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm; thông tin, truyền thông về ATTP; tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Theo đó, tổ chức kiểm tra, phân loại, kiểm tra định kỳ 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tái kiểm tra 100% cơ sở loại C và xử lý dứt điểm cơ sở tái kiểm tra vẫn xếp loại C.
Hướng dẫn, kiểm tra cấp xã, phường tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký; tăng cường kiểm soát ATTP tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên doanh nông, lâm, thủy sản.
Chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp; sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm, các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP…
Quỳnh Mai (T/h)