Nông dân ở Đà Nẵng làm sạch ruộng đồng, bảo vệ môi trường

Linh Đan|18/03/2024 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình “Tổ nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường trên đồng ruộng” đang được xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) xây dựng thí điểm, bước đầu đã phát huy hiệu quả... để phòng trừ bệnh hại trên đồng ruộng.

Sau Tết Nguyên đán, nông dân 12 thôn trên địa bàn xã Hòa Tiến ra quân, thu gom gần 200kg rác thải nông nghiệp. Với diện tích 460 hec-ta đất sản xuất 2 vụ lúa trong năm, trung bình mỗi héc-ta bà con nông dân phải sử dụng khoảng 20 lọ thuốc tăng trưởng, dưỡng lá, kích thích, trừ sâu, rầy, ngừa dịch bệnh..., thì ước tính số lượng phế phẩm này thải ra môi trường do thói quen bỏ lại vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng mỗi mùa vụ là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, trong các vỏ bao bì này còn tồn dư từ 5-7% lượng thuốc phát tán ra môi trường, có khả năng lưu tồn lâu dài trong đất, ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống của các loài sinh vật và con người. Vấn đề đặt ra là cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, chủ động thu gom lại sau mỗi lần phun trừ sâu bệnh và việc xử lý sau khi thu gom phải đúng quy trình.

Trước thực trạng này, Hội Nông dân xã Hòa Tiến quyết định thành lập 12 Tổ thu gom và phân loại chất thải, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ các trang thiết bị bảo hộ, thực hiện hướng dẫn phân loại các loại chất thải nguy hại, yêu cầu các thành viên ở 12 thôn ghi nhật ký và thực hiện thu gom định kỳ 1 tháng 3 lần... Bà Trần Thị Xuân (thôn Yến Nê 1) vui vẻ bộc bạch: “Trước đây, bà con vứt chai thuốc trừ sâu vương vãi khắp nơi, nhiều khi ra đồng thăm lúa giẫm phải mảnh chai rất nguy hiểm. Nhưng từ khi địa phương triển khai mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường thì tình trạng đó không còn nữa. Nhìn đồng ruộng được làm sạch, bà con ai nấy cũng đều phấn khởi”.

lam-sach-ruong-dong.jpg
Nông dân thôn Yến Nê 1 (xã Hòa Tiến) ra quân, thu gom rác thải nông nghiệp trên các cánh đồng...

Được biết, kể từ khi triển khai thực hiện mô hình, phần lớn nông dân Hòa Tiến đã ý thức và chủ động tập kết rác thải nông nghiệp về các nơi có đặt 60 giếng bi bằng bê-tông dọc theo kênh mương, đường giao thông nội đồng trên các xứ đồng ở 12 thôn. Sau khi theo dõi và tổng hợp số lượng thu gom, địa phương hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và xây dựng An Sinh - đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại, đến từng thôn vận chuyển, đưa đi xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại... Lão nông Nguyễn Tuất (thôn Nam Sơn) bày tỏ suy nghĩ: “Nếu tập quán xử lý bao bì hóa chất sau sử dụng trên ruộng đồng của bà con được tiến hành đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường thì sẽ hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không còn ám ảnh cảnh đàn vịt khi thả đồng phải chết hàng loạt do uống phải nước, ăn phải cá bị nhiễm thuốc trừ sâu như trước đây nữa”.

Có thể nói, mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ngay trên đồng ruộng của Hội Nông dân xã Hòa Tiến đã và đang phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao được ý thức của bà con nông dân trong bảo vệ môi trường, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp khoa học, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, đồng thời hoàn thành tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp địa phương và bà con nông dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân ở Đà Nẵng làm sạch ruộng đồng, bảo vệ môi trường