Bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật là nguồn chất thải thuộc danh mục độc hại cần được thu gom, xử lý đúng quy định. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng gần 17.000 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra môi trường. Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý ở hầu hết các địa phương chưa bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh, người dân chủ yếu đem đốt hoặc thu gom cùng rác thải sinh hoạt, thậm chí vứt bừa bãi tại các cánh đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Một số địa phương như huyện Lương Tài, Yên Phong cũng đã cho xây dựng thí điểm bể thu gom trên các cánh đồng từ nguồn hỗ trợ của các dự án nông nghiệp nhưng chưa đạt hiệu quả do bể thu gom chưa đạt tiêu chuẩn, ý thức người dân chưa cao, chưa tạo thói quen thu gom vào thùng chứa và chưa bố trí được nguồn kinh phí nên việc thu gom, xử lý rất hạn chế.
Mục tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2019- 2025 nhấn mạnh: 100% lượng rác thải nông thôn được thu gom, xử lý; 100% các xã có phong trào làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy, làm sạch đường làng, ngõ xóm; 100% lượng bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý; 100% các thôn có khu vực tập kết rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường, 100% trường học có nhà vệ sinh; 100% chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý đúng quy định…
Rà soát, kiểm tra mẫu thùng bê tông thu gom rác thải trên các cánh đồng không có nắp đậy, chưa bảo đảm quy chuẩn
Để thực hiện thành công các tiêu chí trên, theo ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì: Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, kêu gọi nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, mở lớp tập huấn kỹ thuật về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm, áp dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ cho người dân, sở cũng tham mưu với tỉnh xây dựng các giải pháp mạnh nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường nông thôn.
Trong đó bố trí lắp đặt các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (tối thiểu 1 thùng chứa/3 ha, theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 5/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của Bộ Nông nghiệp & PTNT). Đây là giải pháp mang tính khả thi, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân nông thôn. Hiện, Sở đã tổ chức họp thống nhất với các địa phương về số lượng, mẫu thùng. Đồng thời tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất là Công ty cổ phần Khánh Hội. Dựa trên tổng diện tích nông nghiệp toàn tỉnh thì cần lắp đặt tối thiểu hơn 14.000 thùng chứa.
Nếu trong quá trình triển khai thực hiện, bất cứ địa phương nào có nhu cầu lắp đặt thêm đều được đáp ứng kịp thời, nhằm giải quyết triệt để hiện tượng ô nhiễm nguồn thải từ vỏ, gói, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Công tác bàn giao thùng chứa đang được tiến hành khẩn trương đến các địa phương trong tỉnh. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom trực tiếp từ thùng chứa, vận chuyển đến các nhà máy xử lý theo đúng quy định, bảo đảm tần suất thu gom tối thiểu 6 tháng/lần.
Phong trào làm sạch ruộng đồng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và người dân. Cụ thể: Sở Nông nghiệp và PTNT mở gần 100 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã bị cấm, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
Liên minh hợp tác xã tuyên truyền vận động, hỗ trợ thành lập 2 Hợp tác xã thu gom, vận chuyển rác thải nông nghiệp nông thôn ở Yên Phong và Lương Tài; Hội Nông dân tỉnh triển khai phong trào vệ sinh đồng ruộng đến 8 huyện, thị xã, thành phố và 121 cơ sở Hội, thu gom 14,932 tấn vỏ bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, 56,858 tấn rác thải đồng ruộng; MTTQ các cấp phát động và duy trì các phong trào làm sạch ruộng đồng, làm sạch đường làng ngõ xóm, phong trào “toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng đồng”; Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên duy trì “ngày chủ nhật xanh”, khơi thông dòng chảy, kênh mương, phân loại rác tại nguồn, nhân rộng các mô hình “làng 3 sạch”, “mô hình đường hoa thanh niên”, “làng nông thôn kiểu mẫu”… Những hành động thiết thực trên sẽ giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc về rác thải nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, góp phần đưa Bắc Ninh phát triển hài hòa, bền vững.
Minh Thư (T/h)