Nồng độ NO2 giảm nhưng gia tăng bụi mịn PM2.5 khi khí thải điện than cao

Ngọc Ánh (t/h)|08/05/2020 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù nồng độ NO2 giảm, nhưng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giá trị thông số bụi mịn PM2.5 vẫn tăng khi khí thải điện than và công nghiệp cao.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), việc giãn cách xã hội trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ và đa dạng đến chất lượng không khí ở Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, mặc dù nồng độ NO2 giảm, nhưng các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự gia tăng bụi mịn PM2.5 khi khí thải từ điện than và công nghiệp ở các khu vực xung quanh tăng lên.

Hà Nội còn nhiều điểm báo động về ô nhiễm không khí

Nghiên cứu đã định lượng được các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 ở Hà Nội cho thấy với kịch bản tăng trưởng như hiện tại, dù tính cả các chính sách kiểm soát phát thải hiện có và đã lên kế hoạch, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội có thể tăng khoảng 20% vào năm 2030.

Việt Nam nằm trong vài nước có tiêu chuẩn phát thải cao (dễ dãi) nhất trên thế giới (cùng với Indonesia, Australia), cao hơn hai nước dùng nhiều than nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đã gặp vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Còn tại các trung tâm đô thị lớn như Kuala Lumpur, Manila và Bangkok, nồng độ NO2 độc hại đã giảm xuống do sự sụt giảm trong vận tải và sản xuất. Malaysia chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững nhất khi nồng độ NO2 ở thủ đô Kuala Lumpur đã giảm khoảng 60% so với năm 2019.

Ở Indonesia, nơi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất trong khu vực, nồng độ khí NO2 ở Jakarta đã giảm khoảng 40% so với năm 2019.

Tuy nhiên, nồng độ bụi mịn PM2.5 vẫn không thay đổi so với những năm trước. Điều này giúp khẳng định các nghiên cứu trước đây rằng vấn đề ô nhiễm không khí xung quanh thành phố này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm từ các khu vực xung quanh, nhất là các nhà máy nhiệt điện than.

Các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (20%), kế đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%).

Về nguồn gốc địa lý, các hoạt động gây ô nhiễm không khí Hà Nội không nhất thiết phải diễn ra trong Hà Nội. Nghiên cứu ước tính rằng chỉ 1/3 mức ô nhiễm PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đến từ trong phạm vi thành phố. 2/3 phần còn lại đến từ các tỉnh khác

Thông tin từ CREA cũng cho biết ô nhiễm không khí xung quanh ở nhiều nước Đông Nam Á thường vượt quá 5 lần giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới trước đại dịch. Điều này làm cho ô nhiễm không khí trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra bệnh hô hấp, tim mạch mãn tính và các bệnh khác, chưa kể khoảng 799.000 ca tử vong trong khu vực hàng năm.

Trong đó, nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân của hơn 150.000 ca tử vong sớm này. Thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây ra ước tính khoảng 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2018..

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nồng độ NO2 giảm nhưng gia tăng bụi mịn PM2.5 khi khí thải điện than cao
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.