Nồng nàn vị Tết ở chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội

Hồng Ngọc|02/02/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi độ Tết đến, Xuân về, chợ hoa Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – chợ hoa lâu đời nhất đất Hà Thành, những ngày cuối năm này lại tấp nập hơn bao giờ hết!

Trăm hoa khoe sắc, thấy Tết rất gần

Dù Hà Nội được biết đến với nhiều chợ hoa nổi tiếng khác, song với những người hoài niệm Tết xưa thì chợ hoa Hàng Lược vẫn là một điểm đến không thể bỏ qua trong những ngày giáp Tết. Chợ hoa Hàng Lược không quá lớn, gần đây cộng hưởng thêm chợ đồ cổ nữa nên dù chợ nhỏ vẫn có đặc sắc riêng, là nhiệt kế đo độ nồng nàn của Tết, của hoa Hà Nội. Chợ bắt đầu mở cửa từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 30 Tết, luôn thu hút đông đảo du khách nước ngoài và người dân Thủ đô ghé thăm.

Hàng Lược có lẽ là con phố rất hiếm trong phố cổ có nhiều khoảng không gian rộng khi giao cắt với các phố khác. Điểm đầu tiên Hàng Lược giao cắt với Hàng Khoai tạo một khoảng trống, điểm thứ hai giao với Hàng Rươi làm một khoảng rộng nữa, điểm thứ ba giao với Hàng Cót thêm một không gian mở tạo thành những khoảng không gian hình tam giác khá rộng và đó là điểm lý tưởng cho những gánh hàng hoa trên phố. Khu phố nhỏ vốn đã đông đúc lúc thường nhật, nay lại càng sầm uất, nhộn nhịp hơn vào những ngày giáp Tết. Những chậu hoa nhiều màu xếp thành hàng, thành khu riêng biệt. Nơi này là dãy hàng đào, nơi kia là chỗ của quất, góc nhỏ trên vỉa hè là nơi bày những chậu đỗ quyên, xương rồng, hải đường và nhiều chậu hoa nhỏ xinh khác.

Không khí Tết cổ truyền tại chợ hoa Hàng Lược

Nhiều người Hà Nội có truyền thống đi ngắm phố hoa Hàng Lược vào mỗi dịp Xuân về. Họ coi đó như một thú vui thanh lịch trước khi đón những ngày nghỉ Tết an nhàn, thanh thản. Có người đến đây không phải để mua bán, chọn lọc hay trả giá mà chỉ để nhìn ngắm những hàng đào, quất, hoa rực rỡ. Các bạn trẻ, những người thích sự sôi động, đông đúc, là khách đông nhất của chợ hoa này. Nhiều cụ ông, cụ bà người gốc phố cổ Hà Nội cũng vẫn thích đi bộ qua các hàng hoa, hòa mình vào không gian tràn đầy sắc Xuân, để tưởng nhớ về cái Tết truyền thống từ những năm về trước. Đi trong phố ngắm những sắc đào khoe thắm thấy Tết đến rất gần và rạo rực. Và dường như càng ngày người Hà Nội càng chơi hoa sớm, từ độ Rằm tháng Chạp đã thấy có hoa bày bán trên phố. Cái không khí chuẩn bị cho Tết cứ bồi hồi, háo hức ở đâu đó. Thời tiết se lạnh càng làm cho hương Xuân tràn trề khắp các ngõ phố.

Chị Bích, một người bán đào tại chợ cho hay, càng những ngày cận Tết chị bán càng đắt hàng: “Năm nay, những cành đào nhỏ bán chạy hơn năm trước. Khách thích những cành nhỏ để cắm trên ban thờ từ trước 23 tháng Chạp. Những cành đào nhỏ với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng cũng vì vậy mà được bày bán khá nhiều”.

“Năm nào gia đình mình cũng đến phố Hàng Lược để thưởng thức không khí Tết đang cận kề, và không quên mang một chút không khí của chợ hoa về nhà bằng việc mua những chậu hoa, hay cành đào về trang trí Tết”, chị Mai Anh – khách đến chợ tham quan chia sẻ.

Hiện nay, phố hoa Hàng Lược bị thu hẹp rất nhiều nhưng với nhiều người Hà Nội, ngày Tết không thể không đi chơi chợ hoa Hàng Lược dù từ hai năm nay dịch bệnh COVID-19 khiến lượng người đến chợ hoa cũng hạn chế hơn nhiều, thế nhưng chợ hoa vẫn giữ được nét hối hả bởi những chợ hoa Xuân không chỉ mang không khí Xuân mới đến mọi nhà, đó còn là dấu ấn rất đậm nét, khắc sâu trong ký ức của mỗi người khi nhắc về Tết.

Phố Hàng Lược với những điểm nhấn mới

Gọi là chợ hoa nhưng khu phố Hàng Lược nay còn bán nhiều mặt hàng khác nữa. Giữa những quầy hàng hoa nhiều sắc màu là gian hàng đồ trang trí, phong bao lì xì, hay những chiếc bàn bán những bức tượng linh vật may mắn tượng trưng cho mỗi năm. Bởi vậy, du khách tới đây có nhiều lựa chọn và cũng thích thú hơn với sự phong phú của nhiều mặt hàng tại chợ. Và theo thời gian, với sự “du nhập” thêm nhiều mặt hàng, sản phẩm mới, chợ hoa Tết Hàng Lược ngày nay cũng được mở rộng quy mô sang các con phố Hàng Rươi, Hàng Mã…. Sự khác biệt này đã khiến phiên chợ hoa truyền thống có phần ồn ào và xô bồ hơn so với trước kia. Nhưng không phải vì thế mà chợ hoa Hàng Lược ngày nay kém hấp dẫn. Điểm khác biệt của chợ hoa Hàng Lược so với những ngôi chợ hoa khác là trong những ngày cuối cùng của năm cũ, người Hà Nội tới chợ hoa để tìm lại hương vị Tết xưa của phố phường Hà Thành chứ không nhất thiết là phải mua sắm.

Phố Hàng Lược còn một điểm nhấn nữa mà ít người để ý. Trên phố có thánh đường Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc, ngày trước dân gian quen gọi là “chùa Tây đen”. Nguyên do hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có nhiều kiều dân Ấn Độ sinh sống ở Hà Nội. Họ chủ yếu làm nghề buôn bán và có những thành đạt nhất định, cạnh tranh với Hoa kiều, người Pháp, người bản địa. Xa quê hương, họ đã xây một ngôi thánh đường nhỏ để làm nơi thực hành đức tin của mình. Thánh đường màu trắng vươn lên trong một không gian phố cổ là một điểm nhấn khá đặc biệt ở nơi này. Tôi đã vào thăm thánh đường và thấy những người Hồi giáo từ sứ quán các nước theo đạo Hồi thực hành tín ngưỡng của mình rất nghiêm trang và thành kính…

Không khí đón Tết đã tràn về mọi nẻo, nếu có thời gian và muốn thưởng thức dư vị riêng của chợ hoa Hà Nội trong phố Cổ, có lẽ phố Hàng Lược là một nơi không thể bỏ qua! Dù năm nay dịch bệnh COVID-19 khiến không khí Tết của con phố có chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội trở nên trầm hơn mọi năm, nhưng điều ý nghĩa của ngày cuối năm là dịp mọi người được tận hưởng khoảng không gian và khoảng thời gian Hà Nội không ngột ngạt khói bụi, không quá ồn ào tiếng còi xe. Thay vào đó là nụ cười của mọi người đang hân hoan chuẩn bị chào đón năm mới.

Hồng Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nồng nàn vị Tết ở chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội