Các nước xuất khẩu sẽ phải có được sự đồng ý từ các quốc gia nhận chất thải nhựa bị ô nhiễm, nhựa hỗn hợp hoặc không thể tái chế. Hiện tại, Mỹ và các quốc gia khác có thể gửi chất thải nhựa chất lượng thấp hơn cho các tổ chức tư nhân ở các nước đang phát triển mà không cần chính phủ của họ chấp thuận.
Khung ràng buộc pháp lý được đưa ra vào cuối cuộc họp kéo dài hai tuần của các nước tham gia công ước do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về chất thải nhựa và các hóa chất độc hại.
Thỏa thuận là bản sửa đổi của công ước Basel. Mỹ không tham gia hội nghị nên không có phiếu bầu. Tuy nhiên, những người tham dự cuộc họp nói rằng Mỹ phản đối sửa đổi công ước với lập luận rằng các quan chức không hiểu những hậu quả của nó đối với việc buôn bán chất thải nhựa.
Một người đàn ông mang chai nhựa để tái chế ở Nairobi, Kenya. Ảnh: AP.
Các mảnh nhựa ngổn ngang trong đất đai, trôi nổi khối lượng lớn trong đại dương và mắc kẹt gây nguy hiểm cho động vật hoang dã. Nhựa ít có giá trị và khó tái chế thường bị loại bỏ hơn là biến thành các sản phẩm mới.
Theo Guardian, thỏa thuận này ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe, công nghệ, hàng không vũ trụ, thời trang, thực phẩm và đồ uống.
Những người ủng hộ nói rằng việc sửa đổi sẽ làm cho thương mại toàn cầu về chất thải nhựa trở nên minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn, bảo vệ con người và môi trường.
Kể từ khi Trung Quốc ngừng chấp nhận tái chế rác từ Mỹ, các nhà hoạt động cho biết họ thấy rằng chất thải nhựa chất đống ở các nước đang phát triển. Liên minh Toàn cầu về Giải pháp đốt rác (GAIA), tổ chức ủng hộ thỏa thuận, cho biết những ngôi làng ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia “đã biến thành bãi rác trong suốt một năm”.
Theo công ước Basel, Mỹ và các nước khác hiện không thể gửi chất thải nhựa đến các nước đang phát triển có tham gia công ước.
Ngọc Trâm (T/h)