(Moitruong.net.vn) – Ngày 22/9, tại hội thảo “Quản lý bãi thải ở Việt Nam: Thực trạng và xu hướng” đã đề cập đến vấn đề xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp không tiết kiệm được quỹ đất.
Hội thảo do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức. Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung cho biết lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, với phương pháp xử lý chất thải chủ yếu vẫn là chôn lấp dẫn đến không tiết kiệm được quỹ đất.
Nhiều bãi thải đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Gần 70% bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh
Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên bức xúc trong đó có chất thải rắn. Phương pháp chôn lấp mặc dù có nhiều ưu thế vượt trội như đầu tư ban đầu thấp, giá thành xử lý chất thải rắn phù hợp, có thể xử lý được tất cả các loại chất thải rắn. Tuy nhiên, lượng rác thải đổ vào các bãi thải tăng nhanh trong khi việc quản lý bãi thải chưa đáp ứng được thực tế này.
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2016, có khoảng hơn 600 bãi chôn lấp ở Việt Nam, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 10 bãi chôn lấp. Trong số đó, chỉ có 29-31% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ô nhiễm ở bãi chôn lấp đã trở nên nghiêm trọng hơn và phổ biến trong những năm gần đây dẫn đến suy thoái đất, nước, không khí, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi mà lượng chất thải rắn đang ngày càng tăng, tỷ lệ chôn lấp rác cao 69%.
Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên, chất thải công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh. Ở khu vực Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường khu vực hạ nguồn. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao, khi mùa lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bãi chôn lấp có cấu tạo hở, vào mùa khô, chất thải được đem đốt.
Ngoài ra, công tác triển khai các quy hoạch quản lý bãi thải tại các địa phương còn chậm; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý bãi thải còn gặp nhiều khó khăn… Việc thiết kế bãi chôn lấp vẫn thực hiện theo tiêu chuẩn cũ từ năm 2001, chưa có tiêu chuẩn cho từng loại bãi chôn lấp chất thải rắn đặc thù như chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp. Tuy nhiên, tiêu chuẩn không mang tính bắt buộc áp dụng mà cần có quy chuẩn.
Cần hạn chế chôn lấp
Bà Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng số lượng chất thải rắn ngày càng tăng, diện tích đất có hạn, người dân không thích sống gần bãi chôn lấp, việc tìm địa điểm bãi chôn lấp rất khó khăn. Tuy chôn lấp là một trong những công nghệ xử lý chất thải rắn, chủ yếu ở Việt Nam nhưng cần hạn chế phương pháp này.
Về quản lý chất thải rắn, ông Hoàng Mạnh Hiệp, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần hoàn thiện công tác quy hoạch quản lý; thúc đẩy xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; phát triển công nghệ xử lý; chi phí và thu hồi chi phí cho hoạt động xử lý; đào tạo tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao vai trò của các địa phương. Trong đó, ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước và ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam; thực hiện đầu tư thí điểm công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp cho đô thị và nông thôn, sau đó nghiên cứu, đánh giá và nhân rộng.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần dần từng bước xóa bỏ quan niệm xử lý chất thải rắn theo địa giới hành chính, xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn mang tính chất liên tỉnh để nâng cao hiệu quả đầu tư; tổ chức truyền thông rộng rãi các diễn đàn kêu gọi đầu tư vào công trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với khối tư nhân tham gia công tác xã hội hóa lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Cơ quan liên quan cần xây dựng chính sách, đẩy mạnh hình thức đối tác công tư trong đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; xây dựng phí vệ sinh theo hướng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển đối với chất thải rắn sinh hoạt nhằm đáp ứng chi phí với lộ trình phù hợp cho khu vực đô thị và nông thôn.
Về công nghệ môi trường, Tập đoàn GSE đã sản xuất các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ về màng chắn địa kĩ thuật được sử dụng để lưu trữ và quản lý hóa chất của các cơ sở quản lý chất thải, khai khoáng, nước và thủy sản. Tập đoàn GSE đã cùng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường triển khai các hoạt động hợp tác nhằm góp phần vào công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Theo Vietnam+