Ô nhiễm môi trường - Nỗi lo hàng đầu sau bão lũ ( Bài 2): Hệ lụy về sức khỏe môi trường và người dân

Hà My|18/10/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thiên tai thảm họa gây ra nhiều tác động khác nhau lên các dịch vụ sức khỏe môi trường như cấp nước, thu gom xử lý rác thải, sản xuất chế biến thực phẩm, kiểm soát véc tơ truyền bệnh và vệ sinh hộ gia đình..., đe dọa sức khỏe của hàng triệu người.

Hệ lụy về sức khỏe môi trường

thu-gom-rac.jpg
Người dân thị xã Ba Đồn ( Quảng Bình) thu gom rác thải trên địa bàn sau lũ. 

Sau những ngày sống chung với "lũ chồng lũ," người dân một số tỉnh ở khu vực miền Trung không chỉ phải chịu thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn phải đối mặt với ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh do gia súc, gia cầm chết đã bị phân hủy sau lũ; rác thải bủa vây và thiếu nước sạch.

Một thực tế đáng ghi nhận là trong thiên tai thảm họa, số người cần được cung cấp nước sạch và vệ sinh trong và sau thảm họa thường lớn hơn số người bị tử vong, chấn thương hay cần chăm sóc y tế. Bão lụt có thể gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng tới hàng triệu người và nước sạch - yếu tố thiết yếu đảm bảo cho sự sống có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Đảm bảo có đủ nước sạch cho công tác chữa trị các nạn nhân, cho mục đích ăn uống và sinh hoạt của cộng đồng, hỗ trợ công tác cứu hộ và giúp vực lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ vừa bị làm gián đoạn trong và sau thảm họa là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức.

Bão, lũ lụt có tác động lớn đến dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân như làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện. Do đó, người dân không tiếp cận được với nước sạch để cho ăn uống và sinh hoạt. Việc có đủ nước sạch là rất quan trọng giúp cho hoạt động cứu chữa nạn nhân, duy trì các hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng như đảm bảo nhu cầu nước sạch và vệ sinh cho cộng đồng sở tại và ở nơi sơ tán. Trong tình huống thảm họa, ví dụ đợt lũ lịch sử xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung tháng 10 vừa qua, người dân vẫn cần đảm bảo duy trì tối thiểu 15 lít nước sạch/người/ngày cho mục đích ăn uống và sinh hoạt để dự phòng bệnh tật. Do đó, khi người dân bị cô lập, không tiếp cận được với nước sạch thì việc cứu trợ hóa chất và hướng dẫn bà con cách xử lý nước lũ thành nước sạch để dùng tạm là rất cần thiết.

Những gián đoạn trong hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh có thể gia tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí tới tính mạng của người dân. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điệu kiện cho các véc tơ truyền bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh sẽ gia tăng tỉ lệ mới mắc các bệnh lây lan qua nước ăn uống. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người và thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác và các nguồn nước này thường là không đảm bảo vệ sinh. Như vậy, một trong những hoạt động ưu tiên của cán bộ sức khỏe môi trường, y tế, các tổ chức cứu trợ nhân đạo là cung cấp nước sạch cho người dân (nước đóng chai hoặc nước đã qua xử lý) hoặc hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp xử lý nước ăn uống đơn giản, cung cấp các thiết bị vệ sinh tại chỗ cho cộng đồng và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường.

Các nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải có thể gặp khó khăn trong thảm họa do cơ sở hạ tầng bị phá hỏng. Cùng lúc các nhà máy phải đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh của người dân trong tình huống khẩn cấp, khôi phục lại các hoạt động và chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa trong tương lai sẽ là những thách thức mà ngành cấp nước và vệ sinh phải đối mặt. Ngoài ra, việc chuyên chở hàng triệu lít nước và thiết bị xử lý nước tới các khu vực bị tác động bởi thảm họa thường cũng rất tốn kém và đây cũng chỉ là các giải pháp mang tính chất tạm thời. Tại Việt Nam, thông thường cách tiếp cận là huy động tối đa nguồn lực tại chỗ. Cán bộ y tế thường hướng dẫn người dân dùng ngay nguồn nước có sẵn tại địa phương, áp dụng một số biện pháp xử lý nước thông thường để người dân có thể sử dụng. Sau bão lụt, thì hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường.

Hệ lụy về sức khỏe người dân vùng bão lũ

Trong và sau lũ là điều kiện để bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Người dân vùng lũ có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe đặc biệt là các bệnh đường ruột, các bệnh ngoài da, các bệnh về mắt và các bệnh phụ khoa…

Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp tại những nơi bị ảnh hưởng của mưa lũ là: Tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A (các bệnh này xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm).

Các bệnh đường hô hấp thường gặp là: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Các bệnh về mắt thường là đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Các bệnh ngoài da thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt…. do đó cần chú trọng đảm bảo duy trì các hành vi vệ sinh.

Ngoài đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nước để dùng tạm cho mục đích ăn uống và sinh hoạt thì các hộ gia đình cũng cần chuẩn bị xà phòng để tắm giặt, rửa tay, cũng như lưu ý vấn đề xử lý rác thải, phân và xác gia súc, gia cầm chết… Trong khi bão lụt đang hoành hoành, gió mạnh, nước lụt dâng cao, ngập tràn khắp nơi cuốn trôi chất thải từ các cống rãnh, nhà tiêu, hố rác, bãi rác, chuồng gia súc, gia cầm, xác súc vật, cây cối gãy đổ... Những chất thải này làm ô nhiễm nghiêm trọng nước và môi trường sinh sống ở các khu dân cư.

Khi nước bắt đầu rút thì tiến hành thu gom rác thải, xác động vật và tiến hành vệ sinh môi trường để dự phòng dịch bệnh lây lan. Sau khi nước rút, cần nhanh chóng vệ sinh nhà cửa, thu dọn rác trong phạm vi từng hộ gia đình, gạt hết bùn đất trên sân, trên nền nhà, dùng nước sạch xối rửa nền nhà, sân trước, sân sau. Thu gom mọi loại rác thải trong nhà, trên sân, trong vườn nhà, để gọn vào một nơi, sau đó đưa đến nơi tập trung theo quy định của thôn, xóm. Xác súc vật để riêng, các loại rác thải khác để riêng từng loại theo quy định chung. Dọn dẹp sắp xếp đồ đạc trong nhà, lau rửa sạch sẽ bàn, ghế, giường, tủ bị bùn đất bám bẩn do nước lũ. Làm trong và khử trùng nước giếng, nước ăn uống theo hướng dẫn.

Sau những ngày sống chung với "lũ chồng lũ," người dân một số tỉnh ở khu vực miền Trung không chỉ phải chịu thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn phải đối mặt với ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh do gia súc, gia cầm chết đã bị phân hủy sau lũ; rác thải bủa vây, thiếu nước sạch.

Để giải quyết thực trạng trên, song song với công tác cứu trợ, khôi phục sản xuất cho người dân, các địa phương cần tập trung dọn vệ sinh, phòng dịch bệnh sau lũ. Người dân cũng cần được hỗ trợ các loại hóa chất xử lý nước, tẩy trùng, khử độc, các loại thuốc chữa bệnh…

Sổ tay hướng dẫn

xu-ly-nc.jpg
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lệ Thủy ( Quảng Bình) tiến hành khử khuẩn nước sinh hoạt bằng dung dịch Cloramin B cho hộ gia đình chị Lê Thị Đào ở thôn Mai Thúy, xã Mai Thủy. 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định “thông thường nỗi lo sau lũ là ô nhiễm môi trường.” Vì thế, nhiệm vụ cần làm là giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Về vấn đề này, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) sẽ là cơ quan đảm nhiệm. Chính vì thế, từ nhiều năm trước, Cục Quản lý môi trường y tế đã ban hành cuốn “Sổ tay Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt” nhằm giúp người dân có kiến thức về xử lý nước và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có liên quan để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống xung quanh.

Cuốn sổ tay này được xuất bản từ năm 2000 và từ năm 2004 đến năm 2011 đã được tái bản 5 lần để cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt; di chuyển các thùng đựng chất thải rắn y tế lên vị trí cao, tăng cường khử khuẩn nước thải y tế bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá và dự báo các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của thiên tai; lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tham mưu đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố để chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố, ô nhiễm môi trường tại địa bàn dân cư, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải, kho chứa xăng dầu, hoá chất... khi có thiên tai.

Đặc biệt là hướng dẫn các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện các phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với xác động vật chết trên địa bàn, tập trung vào các khu vực có cơ sở chăn nuôi/giết mổ; chợ; khu dân cư tập trung,...

Cơ quan quản lý môi trường cao nhất ở các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp thu gom rác thải, bùn đất đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm như: Các bãi chôn lấp rác thải; kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; khu vực bệnh viện, trạm xá, khu dân cư tập trung.

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, áp dụng các biện pháp y tế để khử trùng nguồn nước sinh hoạt của người dân; phun hóa chất diệt trùng, tẩy uế; khơi thông cống rãnh, vũng nước tù đọng, vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm,…

Để phòng chống bệnh sau lụt, lũ cần thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ nguồn ước và dùng nước sạch. Khi gia đình có người bị bệnh phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để tiến hành điều trị và xử lý kịp thời. Ngoài ra cũng cần chú ý phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Các địa phương cũng cần hướng dẫn các gia đình chủ động chuẩn bị hóa chất xử lý nước (mỗi gia đình chuẩn bị khoảng 200g phèn chua, 1 vỉ 10 viên Aquatabs hoặc 5 viên Cloramin B 250mg để làm sạch và khử khuẩn nước). Ngoài ra, nếu gia đình nào có giếng nước thì chuẩn bị thêm khoảng 50g Cloramin B bột 25% hoặc 40g Clorua vôi để khử trùng giếng nước. Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ người dân ở một số địa phương được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh và rửa tay với xà phòng còn khá thấp nên đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó với các vấn đề sức khỏe môi trường khác trong tình huống thảm họa là một thách thức lớn của các ban, ngành liên quan cần được tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực trong thời gian tới.

Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp tại những nơi bị ảnh hưởng của mưa lũ là: Tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A (các bệnh này xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm). Do đó cần xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc "Ăn chín, uống chín". Người dân có thể uống hoặc tiêm vắc-xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc-xin.

Các bệnh đường hô hấp thường gặp là: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Phòng bệnh đó là giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già; hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp; bảo đảm đủ dinh dưỡng; chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng.

Các bệnh về mắt thường gặp gồm: Ðau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Cách phòng bệnh là: Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; rửa tay bằng xà-phòng với nước sạch; không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ; tra thuốc nhỏ mắt cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn. Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

Các bệnh ngoài da thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Cách phòng bệnh là: Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng, phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát; không mặc áo quần ẩm ướt; không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn, sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường - Nỗi lo hàng đầu sau bão lũ ( Bài 2): Hệ lụy về sức khỏe môi trường và người dân