Thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên tỷ lệ nước thải được xử lý chỉ đạt khoảng 13%.
Nước thải đô thị là một thuật ngữ được sử dụng để biểu thị các nguồn nước thải phát sinh ra trong quá trình hoạt động đô thị. Bao gồm tất cả các hoạt động diễn ra trong quá trình sinh hoạt của con người, động vật, sản xuất….. Nguồn gốc tạo thành loại nước thải này có 4 nguồn chính là: nước thải sinh hoạt; nước thải sản xuất; nước thải từ tự nhiên và nước thải thấm qua.
Được đánh giá là một trong những loại nước thải có thành phần phức tạp nhất, khó xử lý nhất. Nước thải đô thị được quy tụ từ nhiều địa điểm khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau cùng chảy vào hệ thống chung. Ví dụ điển hình như: nước thải sinh ra trong quá trình sản xuất tràn vào đường ống cống thải; nước thải sinh hoạt và nước thải do con người tạo ra từ các hoạt động hàng ngày; nước mưa…… Tất cả đều được quy tập về hồ chứa nước thải đô thị để chờ xử lý.
Nước thải đô thị từ 4 nguồn sau:
Nguồn nước thải sinh hoạt: Chiếm tới 50-60% tổng khối lượng nước thải đô thị hiện nay. Có nguồn gốc từ các hoạt động của dân cư trong vùng, các khu công cộng, trung tâm thương mại, trường học và nhiều địa điểm khác. Tại đây diễn ra các hoạt động về ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh cùng hoạt động bài tiết của con người theo sinh lý. Trong nguồn nước thải sinh hoạt luôn chứa rất nhiều các loại tạp chất. Trong đó phần nhiều là chất hữu cơ chiếm tới 52% và các chất hữu cơ chứa tới 48% cùng một số rất ít các chất vô cơ, vi khuẩn…..
Nguồn nước thải từ sản xuất: Còn có tên gọi khác là nước thải công nghiệp, hình thành từ các nhà máy, công xưởng sản xuất thuộc các ngành nghề khác nhau. Thành phần chính của loại nước thải này chủ yếu là chất hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng và một số hợp chất lơ lửng khác. Chiếm khoảng từ 30-36% sản lượng nước thải đô thị
Nguồn nước thải thấm qua: Đây là loại nước thải từ bề mặt thấm vào các hệ thống đường ống nước thải thông qua nhiều cách thức khác nhau như: Nước mưa thấm qua bề mặt đất đá vào sâu trong lòng đất, xâm nhập vào đường ống nước thải; hay các loại nước thải thấm qua các khớp nối, các thành hố gas…..Loại nước thải này chiếm tới 10-14% sản lượng nước thải đô thị hiện nay.
Nguồn nước thải từ tự nhiên: Là nguồn nước thải từ các ao hồ, sông suối, kênh rạch trong đô thị bị ô nhiễm do tác động của con người, và các hoạt động xả thải không theo quy định. Nguồn nước thải này đóng góp một phần nhỏ khoảng 10% sản lượng của nước thải đô thị.
Nước thải này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tác động của thời tiết, khí hậu và các yếu tố đặc trưng như: số lượng dân cư, mật độ cư dân, các nhà máy hoạt động trong đô thị…..
Lưu lượng và tính chất của nước thải sẽ thay đổi theo mùa, theo ngày. Ví dụ như ngày đi làm thì lượng nước thải đô thị nhiều hơn những ngày cuối tuần và ngày nghỉ.
Trong nước thải đô thị có chứa rất nhiều cát nên quá trình xử lý cần có bể lắng cát riêng.
Khối lượng của nước thải đô thị mỗi ngày vô cùng lớn, kéo theo lượng bùn thải tạo ra nhiều. Vì vậy đòi hỏi cần phải có một hệ thống xử lý bùn riêng biệt trong hệ thống xử lý nước thải.
Mức độ ô nhiễm của nước thải rất phức tạp do tập hợp nhiều nguồn xả thải khác nhau. Vì thế việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn hơn bình thường.
Môi trường nước ở các đô thị của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, thoát nước và xử lý nước thải nói riêng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Thời gian qua, việc phát triển hệ thống thoát nước khá chậm, ước tính chỉ có khoảng 15% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên, quan tâm và nỗ lực tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện thu gom và xử lý nước thải, nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của Việt Nam rất nhanh chóng. Điều này trở thành một thách thức lớn trong việc xử lý nước thải đô thị. Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung cũng như hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu hụt dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đe doạ môi trường và trở thành khó khăn lớn cho các đô thị Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%.
Bộ Xây dựng dẫn thông tin thống kê của UBND TP.Hà Nội cho biết, hiện thành phố này có khoảng hơn 5.700km cống rãnh; hơn 250 km mương, sông, kênh; hơn 40.000 ga thu; hơn 110 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính…
Trong khi đó, Hà Nội có 6 nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động, gồm: Kim Liên (công suất 3.700m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000m3/ngày đêm). Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
UBND TP. Hà Nội cũng thừa nhận tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 đề ra (còn 12 dự án cần được triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối của TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo của thành phố này cho biết, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000m3/ngày đêm. Hiện thành phố đang vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000m3/ngày đêm gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất30.000m3/ ngày đêm), Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000m3/ngày đêm).
Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%). Hiện nay TP. Hồ Chí Minh tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Dự báo, trong điều kiện cuối năm 2020, nếu hoàn thành 3 nhà máy thì 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố sẽ được thu gom, xử lý.
Những dữ liệu của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phần nào chỉ ra thực trạng xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam.
Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng, nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại, chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý. Mức thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém ước tính là khoảng 780 triệu Đô la Mỹ mỗi năm, tương đương 1,3% GDP.
Bên cạnh đó, khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nhìn chung còn thấp. Các đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước và xử lý nước thải lại có quyền tự chủ rất hạn chế trong hoạt động quản lý vận hành và phát triển hệ thống.
Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỉ đô la Mỹ để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.
PGS - TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE), cho biết: “Thách thức lớn trong thoát nước đô thị là việc đấu nối xả nước thải của các hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước nguồn vốn ODA đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối là rất khó thực hiện được. Vì thế, việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước… là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị. Tùy điều kiện cụ thể, chúng ta có thể áp dụng mô hình khác nhau nhưng mục đích chung vẫn là tính hiệu quả trong xử lý nước thải đô thị để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước”.
Cũng theo PGS - TS Nguyễn Việt Anh, việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân.
Ngoài ra, có một nghịch lý chung đối với các địa phương là hầu như các sông lớn nhỏ, kênh, rạch, ao hồ đều rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thì nhiều nhà máy xử lý nước thải vận hành chưa hiệu quả để phù hợp với công suất thiết kế. Chưa kể nước thải từ các KCN, CCN, làng nghề, nước thải sinh hoạt hoặc thậm chí nước mưa dẫn chung về nhà máy mà gây ra nhiều thách thức lớn trong suốt quá trình xử lý môi trường.
Theo Quyết định số 589/QĐ-TTg, mục tiêu định hướng phát triển thoát nước của Việt Nam được điều chỉnh, trong đó đến năm 2025, tỷ lệ phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị trên 80%, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý 20 - 50%, tỷ lệ nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý trên 80%, riêng tỷ lệ nước thải bệnh viện và nước thải các khu đô thị được xử lý 100%. Đến năm 2050, cả 4 chỉ số này đều phải đạt 100%.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Tỷ lệ đấu nối, thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng dưới 0,5m/người so với thế giới là 2m/người. Riêng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15% với 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung trên cả nước đã đi vào vận hành có tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.
Tại Hà Nội, theo quy hoạch thoát nước Hà Nội quy định tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, lượng mưa được tính tối đa là 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống, ứng với chu kỳ bảo vệ P=10 năm (lượng mưa trong 2h lớn nhất là 94mm, trong 4 h lớn nhất là 130mm). Với hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, có những thời điểm lượng mưa trung bình đo được từ 70 - 180mm.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng và thiết kế theo quy hoạch thoát nước tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001, các tuyến cống cấp 1, 2 và 3 được tính với cường độ mưa lần lượt là 95mm, 85mm và 76mm trong 3 giờ ứng với mực nước triều là +1,32m. Trong khi hiện nay chỉ trong 1 giờ lượng mưa đã đạt trên 1,2m và thời gian mưa tăng cả tần suất và vũ lượng, về triều đã có những lúc đỉnh triều đạt đến 1,68m so với thiết kế là 1,32m.
Dự báo thời tiết đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình quản lý vận hành hệ thống thoát nước. Công tác dự báo đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống ngập úng, có thể dự báo trước 1 - 2 ngày tại những thời điểm bất thường đối với những cơn mưa lớn, kéo dài như vừa qua nhằm tránh bị động và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng.
Quá trình đô thị hóa quá nhanh dẫn đến bê tông hóa, san lấp ao hồ nên diện tích thấm bị giảm đi nhiều; các vùng đất trũng, ao, hồ chứa nước không còn, làm giảm khả năng thấm nước, lưu trữ nước và kết hợp với nguyên nhân cơ bản về điều kiện tự nhiên, điều kiện địa chất thủy văn, khí tượng, khí hậu tại khu vực và tác động của BĐKH. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước giữa mạng lưới đường cống thoát nước cũ và đường cống thoát nước mới, cải tạo, nâng cấp trong thời gian vừa qua còn thiếu đồng bộ do hạn chế kinh phí trong đầu tư công trình thoát nước.
Công tác duy tu, vớt rác, khơi thông dòng chảy của đơn vị thoát nước không liên tục và còn nhiều hiện tượng vứt rác xuống kênh, mương, bịt miệng hố thu nước. Do đó, cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng, người dân cần có ý thức không vứt rác, xả rác, hỗ trợ khơi thông miệng thu nước, không để bịt miệng thu thoát nước.
Thoát nước là 1 trong 5 lĩnh vực thực hiện theo phương thức PPP, các nhà đầu tư hầu như không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực thoát nước theo hình thức PPP vì vốn đầu tư bỏ ra rất lớn, vòng đời dự án lâu, nguồn thu về sau đầu tư không ổn định và nhỏ lẻ nên việc thu hút đầu tư khó khăn.
Nước thải không qua xử lý sẽ gây ra rất nhiều tác hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người và môi trường. Phải kể tới những ảnh hưởng chính sau đây:
Gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước ngầm: Một điều chắc chắn không thể phủ nhận rằng nước thải từ nhiều nguồn khác nhau trong đô thị nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ra ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt chung. Có thể ngấm và tràn vào các bể chứa nước sinh hoạt làm tăng nguy cơ nước sạch bị làm bẩn. Ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe và tinh thần của con người. Tiềm tàng nhiều nguy cơ về các mặt khác nhau của cuộc sống
Làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh lạ: Tuy chưa thể khẳng định nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm của nguồn nước thải ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Chúng là nguyên nhân gây ra các căn bệnh lạ hiện nay. Ngày càng có nhiều người thường xuyên phải vào viện điều trị các căn bệnh về da, về đường tiêu hóa…. Mặc dù có thể ăn uống hợp vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đúng cách. Nhưng ít ai biết được những tác động về lâu về dài của nguồn nước thải ô nhiễm từ đô thị.
Nước thải đô thị làm mất mỹ quan: Nhìn những con sông trong thành phố phủ màu đen kịt, những đoạn đường nước thải chảy lênh láng hôi thối không được xử lý. Tất cả tạo ra một cảnh tượng vô cùng xấu xí, làm mất mỹ quan đô thị gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ chung.