Ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam (Bài 1): Thực trạng ngày càng gia tăng và đáng báo động

Nam Anh|22/03/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Vậy ô nhiễm môi trường nước là gì? Nguồn nước bị ô nhiễm có những đặc điểm gì?

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Ô nhiễm môi trường nước là hiện tượng các vùng nước như sông, hồ, biển, nước ngầm… bị các hoạt động của môi trường tự nhiên và con người làm nhiễm các chất độc hại như: Nước thải, rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, các loại chất chất thải, nước thải trong công nghiệp,…

Ô nhiễm nguồn nước biểu hiện qua nhiều đặc điểm nhận biết và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của con người

Có nhiều cách phân loại ô nhiễm nguồn nước: Yếu tố tự nhiên và do con người hoặc theo các đặc điểm

Ô nhiễm từ môi trường tự nhiên: Do các hiện tượng thời tiết (mưa, lũ lụt, gió bão,…) hoặc do các sản phẩm hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết của chúng. Cây cối, sinh vật chết đi, chúng bị vi sinh vật phân hủy thành chất hữu cơ. Một phần sẽ ngấm vào lòng đất, sau đó ăn sâu vào nước ngầm, gây ô nhiễm hoặc theo dòng nước ngầm hòa vào dòng lớn. Lụt lội có thể làm nước mất sự trong sạch, khuấy động những chất dơ trong hệ thống cống rãnh, mang theo nhiều chất thải độc hại từ nơi đổ rác và cuốn theo các loại hoá chất trước đây đã được cất giữ. Nước lụt có thể bị ô nhiễm do hoá chất dùng trong nông nghiệp, kỹ nghệ hoặc do các tác nhân độc hại ở các khu phế thải. Công nhân thu dọn lân cận các công trường kỹ nghệ bị lụt có thể bị tác hại bởi nước ô nhiễm hoá chất.

Ô nhiễm môi trường nước từ con người: Nước thải sinh hoạt (Sewage): là nước thải phát sinh từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, cơ quan trường học, chứa các chất thải trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh của con người. Thành phần cơ bản của nước thải sinh hoạt là các chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học (cacbohydrat, protein, dầu mỡ), chất dinh dưỡng (photpho, nitơ), chất rắn và vi trùng. Tùy theo mức sống và lối sống mà lượng nước thải cũng như tải lượng các chất có trong nước thải của mỗi người trong một ngày là khác nhau. Nhìn chung mức sống càng cao thì lượng nước thải và tải lượng thải càng cao.

Nguồn nước bị ô nhiễm biểu hiện qua một số đặc điểm như: Nước bị ô nhiễm kim loại nặng; Nước bị ô nhiễm vi sinh vật; Nước bị ô nhiễm bới thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Nước bị ô nhiễm kim loại nặng: Ô nhiễm kim loại nặng biểu hiện ở nồng độ cao của các kim loại nặng trong nước. các kim loại nặng gồm có Hg, Cd, Pb, As, Sb, Cr, Cu, Zn, Mn, v.v… thường không tham gia hoặc ít tham gia vào quá trình sinh hóa của các thể sinh vật và thường tích lũy trong cơ thể chúng. Vì vậy, chúng là các nguyên tố độc hại với sinh vật. Hiện tượng nước bị ô nhiễm kim loại nặng thường gặp trong các lưu vực nước gần các khu công nghiệp, các thành phố lớn và khu vực khai thác khoáng sản.

Hiện nay nguồn nước đang bị nhiễm kim loại nặng khá trầm trọng, nguyên nhân là do nước thải công nghiệp và nước thải độc hại không xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đổ thẳng trực tiếp vào nguồn nước (ao, hồ, sông…) Ô nhiễm nước bởi kim loại nặng có tác động tiêu cực tới môi trường sống của sinh vật và con người. Kim loại nặng tích lũy theo chuỗi thức ăn thâm nhập và cơ thể người. Nước mặt bị ô nhiễm sẽ lan truyền các chất ô nhiễm vào nước ngầm, vào đất và các thành phần môi trường liên quan khác. Để hạn chế ô nhiễm nước, cần phải tăng cường biện pháp xử lý nước thải công nghiệp, quản lý tốt vật nuôi trong môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm như nuôi cá, trồng rau bằng nguồn nước thải.

Nước bị ô nhiễm vi sinh vật: Sinh vật có mặt trong môi trường nước ở nhiều dạng khác nhau. Bên cạnh các sinh vật có ích, có nhiều nhóm sinh vật gây bệnh hoặc truyền bệnh cho người và sinh vật. Trong số này, đáng chú ý là các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh như các loại ký sinh trùng bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét, siêu vi khuẩn viêm gan B, siêu vi khuẩn viêm não Nhật Bản, giun đỏ, trứng giun v.v…

Nguồn gây ô nhiễm sinh học cho môi trường nước chủ yếu là phân rác, nước thải sinh hoạt, xác chết sinh vật, nước thải các bệnh viện v.v…

Để hạn chế tác động tiêu cực của ô nhiễm vi sinh vật nguồn nước mặt, cần nghiên cứu các biện pháp xử lý nước thải, cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường sống của dân cư, tổ chức tốt hoạt động y tế và dịch vụ công cộng.

Nước bị ô nhiễm bới thuốc Bảo vệ Thực vật và Phân bón hóa học: Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học tại các vùng nông nghiệp thâm canh, một lượng đáng kể thuốc và phân không được cây trồng tiếp nhận. Chúng sẽ lan truyền và tích lũy trong đất, nước và các sản phẩm nông nghiệp dưới dạng dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Hơn nữa, hiện trạng dễ nhìn nhận là ở vùng nông thôn các rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để phun cho cây trồng không được xử lý đúng quy cách, đang lan tràn ra các kênh mương và các bờ sông ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Đó còn chưa kể đến chỉ vì lợi nhuận của một bộ phận người vô tình hay cố ý đang đang “đầu độc” môi trường, đầu độc nguồn nước hàng ngày, hàng giờ…

Nguy hiểm hơn là ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố nêu trên lại là ở nông thôn, nơi mà trình độ dân trí còn thấp và chưa được đầu tư đồng đều, đúng mức cho hệ thống cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Bà con thường sử dụng trực tiếp từ nguồn nước giếng đào, thậm chí vào mùa khô còn sử dụng nước mặt (ao hồ, sông suối…) cho nhu cầu nước sinh hoạt. Các bể lọc thường được đầu tư sơ sài, mang tính tự phát, lọc bằng bể cát là chủ yếu.

Với phương pháp này chỉ phần nào lọc bỏ được những kim loại nặng còn các độc tố khác, các vi rút và vi khuẩn thì không hề được loại bỏ. Với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nặng nề như hiện nay bà con nên chủ động kiểm tra, xét nghiệm mẫu nguồn nước nơi mình sinh sống, nên đầu tư các thiết bị xử lý nước và lọc nước chuyên dụng. Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm máy lọc nước, và thiết bị xử lý nước đang ngày trở nên thông dụng, giá cả cạnh tranh phù hợp với năng lực tài chính của hầu hết các gia đình.

Những người phụ nữ dân tộc này không hề biết rằng giặt giũ bằng hóa chất ngay sông suối thế này ảnh hưởng đến nguồn nước nghiêm trọng như thế nào. (Ảnh: Tuấn Mark)

Thực trạng ô nhiễm môi trường nước

Chắc có lẽ không ít người vẫn chưa quên được vụ nhiễm dầu của sông Đà năm 2019 khiến nguồn nước sinh hoạt ở nhiều nơi tại thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hay cả vụ thảm họa năm 2008 trên sông Thị Vải (Sông Đồng Nai) do nhà máy sản xuất Vedan xả thải ra môi trường nước khiến tôm cá chết hàng loạt,…

Theo Unicef cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang đứng TOP 5, chỉ sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia,Thái Lan có lượng rác thải đổ ra sông, ra biển nhiều nhất thế giới hiện nay.

Ở Việt Nam tại các khu công nghiệp có hàng trăm đơn vị sản xuất lớn nhỏ, hàng tấn nước thải rác thải chưa qua xử lý đã xả trực tiếp vào đường ống, các chất ô nhiễm hữu cơ, các kim loại còn nguyên trong nước đã thâm nhập vào nguồn nước.

Ở các thành phố, rác thải sinh hoạt được vứt lung tung, ngổn ngang làm tắc đường cống, nước không thoát được, nên cứ mỗi trận mưa đến ngừời ta lại phải đi thông cống để thoát nước. Những con sông nhuệ, sông tô lịch đen kịt, bốc mùi hôi vì rác thải.

Ở nông thôn do điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, cơ sở lạc hậu, các chất thải sinh hoạt và cả gia súc, gia cầm chưa qua xử lý đã thấm xuống các mạch nước ngầm, nếu sử dụng nước ngầm không xử lý sẽ có khả năng mắc các bệnh do nguồn nước gây ra.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón và các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các kênh mương, sông hồ bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam qua số liệu thống kê

Hệ thống nước mặt Việt Nam với hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người và cũng là nguồn cung cấp chủ yếu cho sản xuất. Tuy nhiên, những nguồn nước này đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Thậm chí nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết” bởi khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải xả ra môi trường mà chưa được xử lý

Thống kê và đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên môi trường trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và gần 20.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻm em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO)

Khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen (theo báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường)

19.000 tấn rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày, trong đó trung bình mỗi người trong số chúng ta đóng góp đến 1,2kg rác/ngày (theo TS Quách Thị Xuân – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Đà Nẵng)

Bất chấp những con số báo động đỏ này vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch.

Theo khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia – Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy hiện trạng môi trường nước mặt ở nước ta nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Miền Bắc tập trung đông dân cư (đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng) lượng nước thải đô thị lớn hầu hết của các thành phố đều chưa được xử lý và xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông. Ngoài ra một lượng lớn nước thải công nghiệp, làng nghề cũng là áp lực lớn đối với môi trường nước.

Sông Cầu thời gian qua nhiều đoạn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, KCN và các làng nghề thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Sông Ngũ Huyện Khê là một trong những điển hình ô nhiễm trên lưu vực sông Cầu và tình trạng ô nhiễm nặng gần như không thay đổi. Lưu vực sông Nhuệ – Đáy nhiều đoạn bị ô nhiễm tới mức báo động, vào mùa khô giá trị các thông số BOD5, COD, TSS… tại các điểm đo vượt QCVN 08:2008 loại A1 nhiều lần. Sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng sau khi tiếp nhận nước từ sông Tô Lịch. Lưu vực sông Mã riêng thông số độ đục rất cao, do lượng phù sa lớn và hiện tượng xói mòn từ thượng nguồn.

Miền Trung và Tây Nguyên có một số khu vực chất lượng nước giảm do việc đổi dòng phục vụ các công trình thủy lợi (hiện tượng ô nhiễm trên sông Ba vào mùa khô). Nguồn ô nhiễm chính khu vực Đông Nam Bộ là nguồn ô nhiễm nước mặt chủ yếu do nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Sông Đồng Nai khu vực thượng lưu sông chất lượng nước tương đối tốt nhưng khu vực hạ lưu (đoạn qua TP. Biên Hòa) nước sông đã bị ô nhiễm.

Sông Sài Gòn trong những năm gần đây mức độ ô nhiễm mở rộng hơn về phía thượng lưu. Sông Thị Vải các khu vực ô nhiễm trước đây đã từng bước được khắc phục một số điểm ô nhiễm cục bộ. Hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long nước thải nông nghiệp lớn nhất nước (70% lượng phân bón được cây và đất hấp thụ, 30% đi vào môi trường nước). Vì vậy chất lượng nước sông Tiền và sông Hậu đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (mức độ ô nhiễm sông Tiền cao hơn sông Hậu). Sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm bởi nhiều yếu tố: Hoạt động sản xuất từ nhà máy, khu dân cư tập trung. Sông Vàm Cỏ Đông có mức độ ô nhiễm cao hơn sông Vàm Cỏ Tây.

Nam Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam (Bài 1): Thực trạng ngày càng gia tăng và đáng báo động