Ô nhiễm nước thải tại làng nghề Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh

Theo Diệu Thúy (TTXVN)|05/06/2017 05:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hoạt động sản xuất tại các làng nghề Việt Nam gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

(Moitruong.net.vn) – Hoạt động sản xuất tại các làng nghề Việt Nam đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, làm gia tăng ô nhiễm, nhất là ô nhiễm nước thải. Đây là thách thức lớn trong việc phát triển làng nghề theo hướng bền vững, gắn với việc bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả khảo sát tại 52 làng nghề thì có 46% làng nghề bị ô nhiễm môi trường nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ.

Hiện, chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% từ bụi, 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất.

Ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề nông thôn Việt Nam là do các hợp chất vô cơ độc hại như acid, bazo, muối, kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm. Đây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, nhất là tính chất của nước thải dệt nhuộm được xếp vào loại nước thải nguy hiểm nhất trong các loại nước thải, không những gây tác động đến nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân vùng lân cận.

Bên cạnh đó, các chất màu, xơ sợi… thường thấy ở các làng nghề dệt, tẩy nhuộm, sơn mài, ươm tơ… đã làm cho nước chuyển màu, tăng hàm lượng chất hữu cơ trong nước, gây mùi khó chịu, giảm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động thực vật thuỷ sinh, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, tại các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp như làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, giấy Phú Lâm… góp một lượng lớn nước thải không qua xử lý xả thẳng vào hệ thống thủy nông. Sông Ngũ Huyện Khê khi chảy qua các làng nghề này đã tiếp nhận nước thải có chứa rất nhiều hoá chất như axit, xút, thuốc tẩy, phèn, phẩm màu… từ các làng nghề nên bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành kênh dẫn nước thải của hệ thống các làng nghề.

ô nhiễm nước thải tại làng nghề Việt NamÔ nhiễm nước thải tại làng nghề Việt Nam là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý nhằm phát triển làng nghề theo hướng bền vững

Làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa (xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra.

Tại tỉnh Hải Dương, làng nghề nấu rượu Phú Lộc, toàn bộ nước thải của gần 200 hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh thủy nông chảy ngang qua thôn mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào.

Còn ở làng nghề làm bánh đa Tống Buồng, từ nhiều năm nay, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất bánh đa không qua xử lý được thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của làng. Qua phân tích môi trường nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Hải Dương cho thấy hàm lượng COD vượt từ 12-15 lần, TSS vượt từ 2-3 lần, coliform vượt từ 11-19 lần, amoni vượt từ 12-16 lần, photphat vượt từ 26-31 lần tiêu chuẩn cho phép.

Trước thực trạng ô nhiễm nước thải tại làng nghề Việt Nam, Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, chuyên gia chính sách và thể chế về Tài nguyên nước cho biết,  trước mắt cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước như: chú trọng công tác truyền thông về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao năng lực công tác truyền thông môi trường trong các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp huyện và cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong các hoạt động truyền thông.

Đồng thời, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm giảm thiểu nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, theo hướng phát triển bền vững; ưu tiên cơ chế và tài chính cho nghiên cứu khoa học, công nghệ về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề (công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường) ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, nhà trường, các nhà máy và doanh nghiệp; tích cực ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học môi trường xử lý nguồn nước thải vào hoạt động của các địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ như chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý nguồn nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả.

Theo Diệu Thúy (TTXVN)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm nước thải tại làng nghề Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.