OECM – Cánh tay nối dài của hệ thống khu bảo tồn quốc gia
Các Biện pháp Bảo tồn Khu vực Hiệu quả Khác (OECM) đang nổi lên như một giải pháp bổ sung quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh – Montreal (KMGBF).
Theo Cơ sở dữ liệu Bảo vệ Hành tinh (2015), diện tích các khu bảo tồn của Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 8% lãnh thổ và vùng biển, thấp hơn mục tiêu quốc gia là 9% diện tích đất liền và 3–5% diện tích vùng biển đến năm 2030. Trong khi đó, KMGBF đặt mục tiêu tham vọng hơn: đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền, vùng nước nội địa, ven biển và biển phải được bảo tồn và quản lý hiệu quả – không chỉ qua các khu bảo tồn chính thức mà còn nhờ các biện pháp như OECM.

OECM: Tăng cường hiệu quả và công bằng trong bảo tồn
OECM cho phép bảo tồn đa dạng sinh học thông qua sự tự nguyện của các chủ thể ngoài nhà nước, không yêu cầu thay đổi quyền sở hữu hay cách quản lý. Cơ chế này ghi nhận và hỗ trợ vai trò của cộng đồng địa phương, tổ chức tư nhân, các bên liên quan khác trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, dù khu vực họ quản lý không nằm trong hệ thống khu bảo tồn chính thức.
Việc công nhận OECM không chỉ nâng cao vai trò của các chủ thể ngoài nhà nước mà còn tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực kỹ thuật, đào tạo và hợp tác quốc tế. Đồng thời, OECM cũng mở ra cơ hội phát triển các cơ chế tài chính bền vững, thúc đẩy đa bên tham gia vào hoạch định chính sách và thực hiện mục tiêu bảo tồn.
Các khu vực OECM có thể đồng thời bảo tồn thiên nhiên và nâng cao sinh kế địa phương thông qua phát triển du lịch sinh thái, khai thác bền vững tài nguyên nông – lâm – thủy sản, và cung cấp dịch vụ hệ sinh thái. OECM còn đóng vai trò gìn giữ tri thức bản địa, các nghi lễ truyền thống và mối gắn bó văn hóa giữa con người với thiên nhiên.
Tiềm năng phát triển OECM tại Huế
Tại thành phố Huế, qua khảo sát sơ bộ của WWF-Việt Nam, nhiều khu vực ngoài khu bảo tồn chính thức được đánh giá là tiềm năng trở thành OECM, như:
Khu rừng cộng đồng tại thôn Lê Triêng II, xã Hồng Trung, huyện A Lưới: diện tích 675,4 ha, thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, có ranh giới rõ ràng, nhiều loài thực vật – động vật quý hiếm như lim, sến, nai, gà lôi... đang phục hồi nhờ nỗ lực bảo vệ cộng đồng.
Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi, xã Phú Diên, huyện Phú Vang: diện tích hơn 632 ha, do Chi hội nghề cá Thạnh Mỹ – Phú Diên quản lý. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài cá, chim quý hiếm như cò trắng, ó cá, diệc lửa…
Các khu vực trên đều đáp ứng các tiêu chí OECM: nằm ngoài khu bảo tồn chính thức, có giá trị đa dạng sinh học cao, được cộng đồng quản lý hiệu quả và có ranh giới rõ ràng.
OECM giúp thừa nhận và phát huy vai trò của các chủ thể ngoài nhà nước như cộng đồng địa phương, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn. Để triển khai hiệu quả, Chính phủ cần đầu tư xây dựng khung chính sách, hướng dẫn kỹ thuật và cơ chế hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý, tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và người dân là chìa khóa để mở rộng mạng lưới OECM, góp phần thực hiện mục tiêu 30×30 và phát triển bền vững.