Hà Nội: Nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Trong những ngày gần đây, nắng nóng kéo dài, khiến nguy cơ cháy rừng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn ở mức cao.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 18.519ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 7.593ha, rừng trồng 10.926ha. Tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội đạt 5,57%, phân bố chủ yếu ở 6 huyện, thị gồm Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây với chủng loại cây đa số ở rừng trồng gồm thông, keo, bạch đàn.
Rừng không chỉ cung cấp môi trường xanh, cảnh quan đẹp, không khí sạch cho con người mà còn là nơi có thể làm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Như ở rừng đặc dụng Hương Sơn có diện tích 3.497ha phân bố trên địa bàn 4 xã Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến và An Phú thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội có sự đa dạng sinh học khá lớn và là cảnh quan không thể tách rời với quần thể chùa Hương mỗi năm đón hàng triệu du khách đến tham quan, cúng lễ.
.png)
Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc giữ gìn và bảo vệ rừng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hàng năm, nhiều diện tích rừng bị tàn phá bởi cháy, phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn hoặc thiếu ý thức của con người.
Bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và thế hệ tương lai. Hãy cùng nhau nâng cao nhận thức, hành động thiết thực, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn những vụ cháy rừng đáng tiếc có thể xảy ra. Một hành động nhỏ, một ý thức đúng đắn có thể cứu lấy cả một cánh rừng xanh.
Do đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng lửa nơi rừng và ven rừng: không đốt rác, đốt ong, nấu nướng hay hút thuốc trong rừng; không vứt tàn lửa, tàn thuốc bừa bãi; đồng thời chủ động thông báo ngay cho chính quyền hoặc lực lượng chức năng khi phát hiện có cháy rừng hoặc nguy cơ cháy rừng.
Xác định bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trong mùa khô, mà còn là trách nhiệm lâu dài của cả hệ thống chính trị. Sự chủ động và ý thức chấp hành nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy rừng của mỗi người dân cũng góp phần vào việc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Các cấp, các ngành, nhất là lực lượng Kiểm lâm cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; chính quyền địa phương chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy rừng.
Thời gian tới, Công an sẽ tiếp tục phối hợp các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân; tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra rừng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.
Cháy rừng gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với môi trường. Khi rừng bị thiêu rụi, hệ sinh thái bị phá vỡ, nhiều loài động thực vật mất nơi cư trú, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, khói và khí thải từ cháy rừng làm ô nhiễm không khí, góp phần gia tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Đất đai sau cháy trở nên khô cằn, dễ bị xói mòn, làm giảm khả năng hấp thụ nước và gây lũ lụt. Như vậy, cháy rừng không chỉ tàn phá thiên nhiên mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người.