Đeo khẩu trang là một trong những yêu cầu bắt buộc tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh covid-19 trong công đồng. Tuy nhiên, tình trạng khẩu trang được thải bỏ tràn ngập trên khắp các bãi biển, đường phố khá phổ biến. Điều này phát sinh một số vấn đề về môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của du khách trên đại lộ Promenade des Anglais, tại Nice, TP sát biển ở miền Nam nước Pháp. (Ảnh: Reuters)
Để hạn chế tình trạng này, các nghị sĩ và Bộ Môi trường của Pháp đã vận động để đưa ra những hình phạt, bên cạnh đó, trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia cũng đang tìm kiếm phương án để có thể tái chế khẩu trang phẫu thuật, vốn được sản xuất bởi sợi Polypropylen, một vật liệu nhiệt dẻo rất dày đặc không thể phân hủy sinh học, không thể tái chế. Nhiều đề nghị được đưa ra như dùng lò hấp nhiệt độ cao hoặc sử dụng tia gamma.
Thực tế, bà Marie Narda – chủ cửa hàng sách cũ tại Paris, Pháp – nói: “Tôi không thấy ở đây nhưng phía bên kia đường thì có tình trạng này”.
Một thợ lặn ở vịnh Cannes đã đưa ra hình ảnh những chiếc khẩu trang và găng tay được vứt trên vỉa hè, theo sông suối ra biển. Sử dụng 4 tiếng và cần 400 năm để phân hủy là công thức mà các nhà chức trách Pháp đưa ra để khuyến cáo người dân trước hành động thiếu trách nhiệm này.
Ông Colin – giảng viên Đại học Paris – cho rằng: “Trong xã hội luôn luôn có một bộ phận người như vậy, dù không nhiều nhưng thiếu kỷ cương. Đáng tiếc, những người này lại là nguyên nhân để phải đưa ra những hình phạt”.
Trong khi chưa tìm ra phương án phù hợp thì phạt tiền được coi là giải pháp tạm thời và hữu hiệu. Không chỉ là câu chuyện của dịch bệnh, mà chiếc khẩu trang dù nhỏ nhưng có thể trở thành một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm đất và nước một cách lâu dài.
Hồng Hạnh