Phạt 325 triệu đồng người đàn ông tự ý chặt cây, hút cát trong Vườn quốc gia Xuân Thủy

Lan Hạ|23/11/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tự ý thuê người chặt phá cây trong Vườn quốc gia Xuân Thủy và huy động máy móc hút cát cải tạo bãi, dựng chòi, ông Phê bị xử phạt 325 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

23-vqgxt.jpg
Cây ngập mặn bị chặt ngổn ngang trong Vườn quốc gia Xuân Thủy

Ngày 22/11, thông tin tới Báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Phê, sinh năm 1973, trú tại tổ dân phố Đông Nhất, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thuỷ (Nam Định) vì hành vi “Gây thiệt hại từ 2.000 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trở lên tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn”.

Theo văn bản quyết định xử phạt, ngoài số tiền bị xử phạt là 325 triệu đồng, ông Phê buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu do vi phạm hành chính gây ra. Nếu quá thời hạn mà ông Nguyễn Văn Phê không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành; phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Phê đã 2 lần liên tiếp thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định) vào tháng 6 và tháng 8/2023 khi tự ý thuê người, huy động máy móc hút cát cải tạo bãi, dựng chòi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn trong khu vực Vườn quốc gia.

Sau khi nắm bắt được sự việc, đại diện UBND xã Giao Lạc, Vườn quốc gia Xuân Thủy, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt đã thành lập đoàn công tác kiểm tra khu vực đất Cồn Lu nói trên.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định 50 cây mắm bị chặt phá, diện tích khoảng 240m2, nhiều cọc tre có dây căng ngang khu vực cồn cát có chiều dài khoảng 100m, một chiếc chòi canh mới được dựng, 9 cột bê tông cao khoảng 4-5m, diện tích trên 36m2. Cách vị trí giáp ranh về phía Tây Nam khoảng 1km xuất hiện hố hút cát kích thước khoảng 500m2, sâu khoảng 1,5m, có 2 máy hút không hoạt động, không có người trông giữ, ở vị trí nêu trên có rải rác loại cây mắm có chiều cao khoảng 50 - 70cm.

Đoàn công tác phát hiện một máy hút cát không hoạt động, không có người trông giữ đặt tại vị trí cồn cát cao, có hố hút cát mới kích thước khoảng 50m2, sâu khoảng 2m.

Theo thừa nhận của ông Phê, ông đã thuê một người ở địa phương cùng phương tiện vào khu vực Cồn Lu hút cát, cải tạo bãi; thuê vợ chồng ông Huỳnh, bà Dung chặt phá cây. Tuy nhiên, người này khai đã chỉ đạo bà Dung chặt một số cây phi lao để cắm vây còn phần diện tích cây ngập mặn ở khu vực rừng tái sinh là do ông Huỳnh tự ý chặt. Đoàn công tác sau đó đã yêu cầu ông Phê và những người làm thuê giữ nguyên hiện trạng, không được di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi hiện trường.

Được biết, Vườn Quốc gia Xuân Thủy nằm ở cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ về biển với một bên là huyện Giao Thủy (Nam Định) một bên là huyện Tiền Hải (Thái Bình), là một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông.

Trước đó, từ năm 1989 Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã tham gia Công ước Ramsar (công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước, được ký tại thành phố Ramsar, Iran năm 1971, mục đích bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới). Đến năm 2004, Vườn được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng.

Ngày 18/9 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản đồng ý cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành “Vườn Di sản Asean”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt 325 triệu đồng người đàn ông tự ý chặt cây, hút cát trong Vườn quốc gia Xuân Thủy