Phát huy hiệu quả vai trò của tổ cộng đồng trong bảo vệ rừng ở Ninh Thuận

Vũ Thành|25/06/2023 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, các đơn vị chủ rừng ở Ninh Thuận đã triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng (BVR) cho các tổ cộng đồng (TCĐ. Từ đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn mang lại hiệu quả cao.

Ông Hồ Sỹ Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết: Toàn tỉnh hiện có 160.432ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 147.419ha, rừng sản xuất 34.209ha. Trước đây, công tác quản lý BVR trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, người dân chưa tích cực tham gia vào BVR, nên công tác phối hợp với lực lượng kiểm lâm còn hạn chế. Nhưng từ khi các TCĐ tham gia BVR được thành lập thì đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác BVR và PCCCR. Các TCĐ đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp với lực lượng chức năng về BVR và PCCCR.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 84 TCĐ nhận khoán BVR, với diện tích trên 52.200 ha rừng. Các TCĐ có nhiệm vụ phân công trực 24/24 giờ, ngay khi phát hiện các đối tượng vào rừng, lực lượng này sẽ báo tin cho các chủ rừng để kịp thời ngăn cản; vào cao điểm mùa khô kịp thời báo tin và sẵn sàng tham gia trợ giúp chữa cháy khi phát hiện cháy. Ngoài ra, TCĐ còn tham gia ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngay trên lâm phần nhận khoán.

bao-ve-rung.jpg
Ảnh minh họa

Là đơn vị quản lý trên 28.000ha rừng, trước đây công tác quản lý BVR và PCCCR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn còn gặp không ít khó khăn do lực lượng mỏng trong khi đó diện tích rừng lớn lại trải dài, nằm giáp ranh với huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng), huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Nhưng từ khi thành lập các TCĐ, đơn vị đã giao cho 7 TCĐ của xã Ma Nới, Hòa Sơn và Mỹ Sơn nhận bảo vệ, với diện tích hơn 4.400ha. Nhờ đó, người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong BVR và PCCCR.

Ông Nguyễn Văn Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn cho biết: Từ khi các TCĐ đi vào hoạt động, các tổ đã phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng kịp thời ngăn chặn tình trạng đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Các TCĐ còn chủ động xây dựng quy ước, hương ước BVR, phân công lịch trực, phối hợp với các UBND xã, kiểm lâm địa bàn, xây dựng phương án BVR và PCCCR. Các TCĐ còn phân công từ 5-6 hộ dân thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán bảo vệ, kịp thời phát hiện các vụ vi phạm lâm luật, phát hiện và tham gia chữa cháy rừng hiệu quả, đã giúp đơn vị quản lý BVR và PCCCR tốt hơn.

Được giao khoán BVR với diện tích 500ha thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn, từ năm 2017 đến nay, các thành viên TCĐ thôn Hà Dài, xã Ma Nới (Ninh Sơn) đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác BVR và PCCCR như đã cam kết với đơn vị chủ rừng. Với việc chia ca, phân công các thành viên trong tổ, sắp xếp lịch trực theo dõi diễn biến 24/24 giờ một cách cụ thể cho từng thành viên, nên công tác phối hợp với các lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương trong công tác BVR và PCCCR được TCĐ thực hiện hiệu quả trong suốt từ đầu mùa khô đến nay. Anh Chamaléa Kính, Tổ trưởng TCĐ thôn Hà Dài cho biết: TCĐ của thôn hiện có 20 thành viên, mỗi ca trực phân công từ 5-6 người tuần tra vào các buổi sáng, trưa, chiều hằng ngày để kịp thời phát hiện các vụ vi phạm, các vụ cháy rừng để báo với chủ rừng.

Tương tự như TCĐ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) được thành lập năm 2017, với 17 thành viên đã phát huy được sức mạnh tập thể trong công tác BVR, phát hiện, tham gia chữa cháy kịp thời một số đám cháy trên lâm phần nhận khoán. Anh Mang Trí, Tổ trưởng TCĐ thôn Liên Sơn 2 cho biết: Tổ nhận giữ 500 ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang. Từ khi đi vào hoạt động, các thành viên trong tổ đã ngăn chặn kịp thời các đối tượng vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt, khi có cháy xảy ra, tổ đã huy động được người dân tham gia chữa cháy rừng ngay tại chỗ nên thiệt hại về rừng rất ít.

Ngoài ra, tổ còn phối hợp với lực lượng chức năng, chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống cháy rừng; vận động người dân ký cam kết không đốt nương rẫy, không sử dụng lửa trong rừng; phối hợp với đơn vị chủ rừng phát dọn, tạo dựng đường băng cản lửa trên lâm phần. Chính vì vậy, đến thời điểm này khu vực rừng của tổ quản lý chưa có vụ cháy lớn xảy ra.

Thực tế cho thấy, việc giao rừng khoán quản cho các TCĐ bảo vệ không những giúp các đơn vị chủ rừng giải quyết được những khó khăn trong công tác quản lý, BVR và PCCCR do thiếu hụt nguồn nhân lực, mà còn huy động được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, quản lý, BVR tốt hơn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 15 điểm cháy rừng nhỏ, chủ yếu là cháy thực bì đã được các lực lượng và TCĐ dập tắt kịp thời.

Bài liên quan
  • Quảng Nam sẽ sớm ban hành quy định mới về chi hỗ trợ bảo vệ rừng
    Tại Kỳ họp thứ 14 diễn ra sáng ngày 5/5, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất việc bãi bỏ Nghị quyết số 38 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng lại cơ chế mới phù hợp với quy định pháp luật, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả vai trò của tổ cộng đồng trong bảo vệ rừng ở Ninh Thuận