Phát huy nguồn lực ngư dân trong vấn đề bảo vệ môi trường biển

Hồng Tú|07/11/2023 19:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc thúc đẩy ngư dân tham gia vào mô hình khoa học công dân cho phép họ gắn kết với đại dương, hỗ trợ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học biển.

Ngày 6/11 vừa qua, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) tổ chức hội thảo thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ môi trường biển.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nguồn nhân lực phục vụ cho việc điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển rất hạn chế. Vì vậy, việc thúc đẩy ngư dân tham gia mô hình khoa học công dân cho phép cộng đồng gắn kết với đại dương, hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống.

moi-truong-bien-x.jpg
Ảnh minh họa

Hiện nay, số lượng các nghiên cứu về điều tra tổng quan hiện trạng đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. Các nghiên cứu chủ yếu đều do Viện Hải dương Nha Trang thực hiện vào năm 2005 cho toàn bộ khu vực vùng biển Đà Nẵng và Viện Sinh thái Miền Nam (2017) chỉ tập trung nghiên cứu ở vùng Bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, có một số đề tài nghiên cứu riêng lẻ khác nhưng chỉ tập trung đối với một số thành phần loài cố định.

Tuy nhiên, hiện nay Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong công tác quản lý tổng hợp vùng bờ và các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, địa phương đã xây dựng 4 tổ chức cộng đồng thực hiện quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các quận ven biển với 105 thành viên tham gia. Tại tỉnh Quảng Nam, địa phương thiết lập các câu lạc bộ bảo tồn biển các thôn tại Cù Lao Chàm, các tổ tuần tra cộng đồng tại Cẩm Thanh…Tuy nhiên, các hoạt động này gặp khó như lực lượng tham gia chưa có nhiều kinh nghiệm nhất những năm đầu tiên; việc triển khai còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản Bình Định sẽ tổ chức lựa chọn 200 tàu cá, chủ yếu tàu cá thường xuyên ra vào khu vực cửa biển Quy Nhơn để thí điểm, sau đó nhân rộng ra toàn đội tàu cá xa bờ (gần 3.300 tàu) của tỉnh này. Các tàu cá sẽ được dự án cung cấp túi chứa rác kèm dụng cụ thu gom rác trên biển. Quá trình ra khơi đánh bắt hải sản, các ngư dân trên tàu cá sau khi sử dụng sẽ thu gom rác thải từ sinh hoạt cho vào túi đựng trên tàu, thay vì vứt thẳng xuống biển. Khi trở về cảng cá, rác thải sẽ được ngành chức năng đến tận tàu cá để thu mua với giá thị trường, sau đó phân loại đưa đến các cơ sở xử lý, tái chế.

Hội thảo là dịp để giúp các địa phương có những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ngư dân này. Đây là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu đa dạng sinh vật, có thể đóng góp giá trị trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với các hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp với góc nhìn đa chiều từ các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức và cộng đồng ngư dân về phát huy hiệu quả cũng như thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát huy nguồn lực ngư dân trong vấn đề bảo vệ môi trường biển
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.