Theo tờ trình, Quyết định số 500/QĐ-TTg đã đưa ra mục tiêu về giảm phát thải CO2. Cụ thể, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
Trong các kịch bản phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, để đạt mục tiêu cam kết Net zero, lộ trình chuyển dịch năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than được lựa chọn là kết hợp đóng cửa các nhà máy hiệu suất thấp đã vận hành lâu năm và chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối hoặc amoniac cho các nhà máy mới xây dựng sau 20 năm vận hành.
Các nguồn nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau 40 năm vận hành nếu không chuyển đổi nhiên liệu. Đối với nguồn tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG sẽ chuyển đổi sang sử dụng hydrogen để giảm dần phát thải CO2.
Với lộ trình chuyển đổi năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí LNG trên tại Quy hoạch điện VIII, phát thải CO2 của hệ thống nguồn điện toàn quốc sẽ đạt từ 204-254 triệu tấn vào năm 2030, đạt đỉnh vào năm 2035 khoảng 226-254 triệu tấn, sau đó giảm dần xuống đạt 27-31 triệu tấn vào năm 2050.
Theo đó, lượng phát thải CO2 trong sản xuất điện ứng với cơ cấu nguồn tại Quyết định số 500/QĐ-TTg đã đạt mục tiêu Chiến lược biến đổi khí hậu và đạt cam kết Net zero tại COP26.
Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP đã cụ thể hóa các dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện bằng các nguồn hỗ trợ về nguồn lực tài chính của đối tác quốc tế.
Với các mục tiêu và kế hoạch nêu trên, việc phấn đấu thực hiện giảm phát thải CO2 ngành điện theo Tuyên bố JETP sẽ cần được tiếp tục triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả ở nhiều lĩnh vực/công đoạn (nhất là khâu phát điện và sử dụng điện, đầu tư cho chuyển dịch năng lượng, ...), cả ở các cơ quan, tổ chức, bên tham gia trong nước và các đối tác quốc tế có liên quan.