Phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện"

Thơ Hoàng|27/07/2024 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

"Việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm". Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi diễn ra sáng 26/7.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Đề án phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở "luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai".

dien-gio-1.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để thực hiện chứ không phải là xin chủ trương.


Đề án còn vướng mắc ở đâu?


Báo cáo của Bộ Công Thương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.

Bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ cũng đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm.

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ TN&MT cho biết Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được phê duyệt. Vướng mắc đối với việc giao khu vực biển để điều tra, đo đạc, khảo sát sẽ được tháo gỡ khi sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đã thực hiện giao biển cho 1 dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án điện gió ngoài khơi.

Lãnh đạo EVN, PVN cho biết đã triển khai các bước chuẩn bị để có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Phó Thủ tướng đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn


Phó Thủ tướng dành thời gian phân tích, chỉ ra hướng xử lý một số khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành chứ không vướng về pháp luật. Đơn cử như vướng mắc về lựa chọn địa điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi không nằm ở luật mà ở khâu tổ chức thực hiện cần sự thống nhất của Bộ GTVT (liên quan đến tuyến đường biển quốc tế), Bộ Quốc phòng (nếu là khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh). Tương tự, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài… thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ.

"Đây là đề án để thực hiện chứ không phải xin chủ trương. Việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm cho từng loại dự án phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, sản xuất hydro xanh... Vì vậy, Đề án không chỉ giới hạn ở 2 đề án thí điểm của EVN, PVN", Phó Thủ tướng nói và giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Đề án, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.

3 phương án chọn nhà đầu tư làm điện gió ngoài khơi


Báo cáo về Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi của Bộ Công Thương trình Chính phủ đưa ra 3 phương án chọn nhà đầu tư làm điện gió ngoài khơi, ưu tiên các tập đoàn kinh tế nhà nước làm thí điểm trong giai đoạn đầu.

Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu công suất loại nguồn điện này đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến 2050 từ 70.000 - 91.500 MW. Song đến nay, chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư. Quy hoạch điện 8 cũng chưa nêu rõ số lượng, công suất và vị trí dự án điện gió ngoài khơi, phương án đấu nối nguồn điện này.

Trong các phương án lựa chọn nhà đầu tư thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cho rằng chọn nhà đầu tư quốc tế là thiếu khả thi do các vướng mắc liên quan đến khung pháp lý, còn giao cho tư nhân trong nước đầu tư sẽ không đánh giá hết được các vấn đề quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật...

Bộ Công Thương đã phân tích những mặt được và chưa được trong trường hợp giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước theo chỉ đạo của Phó thủ tướng.

Phương án 1, giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thí điểm đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng PVN có lợi thế khi sử dụng cơ sở dữ liệu, nguồn lực sẵn có của ngành dầu khí trong triển khai dự án thí điểm.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối 40-45% chi phí một dự án điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đặt vấn đề trường hợp giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cần đánh giá, điều chỉnh chủ trương lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh của tập đoàn này. Bởi PVN chưa được phép đầu tư ngoài ngành, điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, tập đoàn này cũng phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Phương án 2, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thí điểm, Bộ Công Thương cho rằng EVN có lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy, hệ thống truyền tải điện.

Tập đoàn này cũng có ưu điểm khi không phải đàm phán giá, do đồng thời là đơn vị mua, bán điện. Tuy nhiên cơ quan quản lý cũng lo ngại đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án nguồn điện truyền thống.

Phương án 3, giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thí điểm, Bộ Công Thương cho rằng phương án này cần được đánh giá phù hợp với chủ trương, tính khả thi sau khi xem xét năng lực đơn vị cụ thể của Bộ Quốc phòng.

Bộ Công Thương cho rằng nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều vào lĩnh vực điện nhưng chủ yếu là dự án điện truyền thống, hoặc năng lượng mặt trời, gió quy mô không lớn. Bộ này cho hay hiện chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm do chưa đánh giá hết các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

"Việc giao nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân thực hiện điện gió ngoài khơi sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống pháp luật được hoàn thiện", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện"