Môi trường du lịch

Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc của Việt Nam: Cần xác định nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà là hai nền tảng cốt lõi

Thanh Thảo 15:44 08/10/2024

Tiểu vùng Đông Bắc Việt Nam, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, đặc biệt là thế mạnh về sản xuất chè và văn hóa trà, đang trở thành điểm đến thu hút du khách. Việc phát triển du lịch tại các vùng chè không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế, mà còn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất này.

Ngày 8/10/2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo "Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam". Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ đạo triển khai. Từ đó, tham mưu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đối với kết quả của nghiên cứu, đồng thời, trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến nội dung của nhiệm vụ.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố, các chuyên gia du lịch, cùng đại diện các doanh nghiệp du lịch trong nước.

z5907928105793_bdf3ff6454ba5467a025d8f2191df8a4.jpg
Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) cho biết, nước ta có rất nhiều vùng chè, các vùng chè không chỉ tạo ra các sản phẩm chè đặc sắc mà còn tạo ra giá trị trong phát triển du lịch. Cảnh quan vùng chè, cách làm chè, văn hóa uống chè cùng các giá trị văn hóa của cộng đồng nơi có những vùng chè, chính là tài nguyên du lịch cho phát triển du lịch. Trong những năm vừa qua, các địa phương có những vùng chè đã bước đầu khai thác được những giá trị cho phát triển du lịch, góp phần tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm chè. Bên cạnh đó, tạo nên sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của các vùng chè trong những năm vừa qua cũng chưa đạt được những kỳ vọng, do nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề chính sách, cơ chế, đầu tư cho phát triển các vùng chè…

Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch hy vọng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, qua đó đánh giá tiềm năng và thực trạng, đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế chính sách, quy định phù hợp, thúc đẩy phát triển du lịch tại các vùng chè ở các địa phương thuộc tiểu vùng Đông Bắc.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe khái quát những nội dung về tiềm năng, hiện trạng và phương hướng phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc.

Cụ thể, trình bày sơ lược về kết quả của nghiên cứu, TS. Lê Quang Đăng, Phó trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đại diện của nghiên cứu cho biết, mỗi vùng chè ở các địa phương của tiểu vùng Đông Bắc đều có những giá trị tài nguyên chung (gắn với nông nghiệp sản xuất chè), đồng thời có những giá trị đặc trưng riêng, khác biệt, gắn với mảnh đất, văn hóa và đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của tiểu vùng; có thể kết nối với các giá trị tài nguyên khác, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương.

z5908062270990_0c3864cfefb2abe48f5289f45e2fdc50.jpg
TS. Lê Quang Đăng, Phó trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đại diện của nghiên cứu trình bày về kết quả nghiên cứu

Ở tiểu vùng Đông Bắc, Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất (và lớn nhất cả nước) với khoảng hơn 22.000 ha, tiếp theo là các tỉnh: Hà Giang (khoảng 21.000 ha), Tuyên Quang (khoảng 8.500 ha), Bắc Kạn (khoảng hơn 2.000 ha), Bắc Giang (khoảng 500 ha), Lạng Sơn (khoảng 450 ha), Cao Bằng (khoảng gần 100 ha).

Hiện trạng các điều kiện phát triển

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch: Đa số khách du lịch, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng hạ tầng giao thông trục chính kết nối các tỉnh trong tiểu vùng kết nối tiểu vùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh chất lượng khá tốt.

Đối với cơ sở lưu trú du lịch, hầu hết các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc đều đang rất thiếu cơ sở lưu trú, khách đến tham quan các vùng chè chủ yếu lưu trú tại các nhà nghỉ, khách sạn ở thị trấn, thị tứ trong khu vực và lân cận.

Đối với các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, phần lớn khách du lịch đánh giá cơ sở vui chơi giải trí, điểm mua sắm, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe... tại các vùng chè chỉ được khách đánh giá ở mức “trung bình” và “kém”, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.

capture.png
Việc phát triển du lịch tại các vùng chè không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế, mà còn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các vùng đất này

Về hiện trạng đi du lịch và hoạt động du lịch của khách tại các vùng chè, khách du lịch chuyên đề chủ yếu là các đoàn khách học sinh đi tham quan trải nghiệm, khách gia đình, khách giới trẻ đi du lịch trong ngày hoặc đi du lịch cuối tuần lên các vùng chè và một bộ phận khách nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa trà, mua sắm các sản phẩm trà. Một lệ không nhỏ khách du lịch “phân vân” về việc có quay trở lại hoặc khám phá các vùng chè mới hay không, đây cũng là thách thức đặt ra cho các địa phương…

Nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà là hai nền tảng cốt lõi

Các giải pháp được đưa ra trong kết quả nghiên cứu bao gồm nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp cụ thể cho từng vùng Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang.

Theo đó, nhóm giải pháp bao gồm: Xây dựng quy hoạch phát triển các vùng chè theo hướng: vừa phát triển vùng sản xuất chè, vừa đánh giá, xác định giá trị tài nguyên,…; tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương; quan tâm, có chính sách, cơ chế thích hợp hỗ trợ phát triển du lịch tại các vùng chè; quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường công tác phát triển thị trường, quảng bá du lịch; đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề du lịch cho cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch;... Trong đó, đặc biệt xác định nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà là hai nền tảng cốt lõi, là động lực, yếu tố quyết định đến sự thành công của du lịch tại các vùng chè.

capture(1).png
Cần xác định nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà là hai nền tảng cốt lõi

Bên cạnh kết quả nghiên cứu, các đại biểu tham dự cũng đã được nghe ý kiến từ các tham luận của những chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp lữ hành xung quanh vấn đề phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc của Việt Nam.

Tham luận tại Hội thảo, ông Trịnh Quang Dũng, Chuyên gia Văn hóa trà - Thành viên Ban Tư vấn, Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam cho biết, khai thác văn hoá trà Việt phục vụ du lịch là một hướng đi mới, chưa được ngành du lịch Việt Nam quan tâm đúng mức. Nếu biết lấy Văn hóa sử là “chìa khóa” phát triển du lịch trà, sẽ tạo được một vị trí đặc biệt hấp dẫn du khách yêu trà trên toàn thế giới. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, để khai thác tốt tiềm năng của vùng trà Đông Bắc, cần tập trung khai thác triệt để thế mạnh từ đặc sản trà móng rồng quý hiếm, kết hợp du lịch mạo hiểm lên rừng trà Sapo, đỉnh Chiêu Lầu Thi, đỉnh Tây Côn Lĩnh huyền bí.

Còn theo PGS.TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng sẽ phục vụ phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam. Theo đó, cần đầu tư nghiên cứu, phân tích giá trị văn hoá cộng đồng của mỗi địa phương vùng chè phục vụ phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, có giá trị gia tăng; khai thác các giá trị văn hoá cộng đồng phục vụ phát triển du lịch gắn liền với vấn đề bảo tồn; xúc tiến, quảng bá du lịch,; quản lý hoạt động du lịch khai thác từ các giá trị văn hoá cộng đồng…

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng thông tin về kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với văn hóa trà ở một số quốc gia, từ đó chỉ ra bài học kinh nghiệm đối với từng địa phương thuộc tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam.

Cần cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên

Theo TS. Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia tư vấn Bộ NN&PTNT, cần cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên, cụ thể, cần cân đối giữa mục tiêu phát triển du lịch và bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ đất trong trồng chè, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. “Có thể thấy rõ, hiện thị trường xuất khẩu của các vùng chè trung du ngày càng kém đi vì có sử dụng hóa chất trong trồng trọt. Tuy nhiên, thị trường chè này lại gắn với đại đa số người uống, vì vậy cần phải giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất để vừa đảm bảo sức khỏe con người, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đối với vùng chè Shan Tuyết thì càng phải bảo vệ đất thật tốt để giữ được tính tự nhiên của chè” - TS. Ngô Kiều Oanh nhấn mạnh.

z5907928094327_680714ae04c4085f4bd39d330a2a5279.jpg
TS. Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia tư vấn Bộ NN&PTNT

Bên cạnh đó, sự gia tăng của lượng khí thải carbon từ các hoạt động du lịch truyền thống đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, từ biến đổi khí hậu đến sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, xu hướng Net Zero đặt mục tiêu cắt giảm hoàn toàn hoặc cân bằng lượng khí thải bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

TS. Lê Văn Minh, Nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định, việc phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc không chỉ giúp bảo tồn cảnh quan, góp phần tích cực vào giảm thiểu khí thải carbon, bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế, quảng bá văn hóa, sản phẩm đặc trưng của vùng, đồng thời thu hút du khách có ý thức về môi trường và phát triển bền vững.

z5907928164815_eeb585d5dd2d4f87b526c80ba6946217.jpg
TS. Lê Văn Minh, Nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Cũng theo TS. Lê Văn Minh, để hướng tới du lịch Net zero, các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc có thể tập trung vào việc phát triển chuỗi giá trị chè bền vững, từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ. Điều này có thể thực hiện qua các biện pháp như: áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học để đảm bảo chè sản xuất ra an toàn cho sức khỏe, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, vùng chè Đông Bắc có thể xây dựng các thương hiệu chè đặc sản, liên kết với các chuỗi du lịch Net Zero. Du khách không chỉ thưởng thức chè, mà còn có thể tham gia vào các hoạt động thân thiện với môi trường, như học cách sản xuất chè thủ công,...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc của Việt Nam: Cần xác định nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà là hai nền tảng cốt lõi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.