Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong phiên làm việc sáng nay (26/10), Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định khẳng định, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương, vừa là cơ sở để quản lý, vừa là cơ sở để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả mà tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, việc quy định cá nhân phải cung cấp thông tin về khai thác theo khoản 7 của Điều 7 về hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Tại khoản 5 Điều 10 về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước cũng quy định trách nhiệm của cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước sử dụng ngân sách nhà nước phải cập nhật thông tin kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước sau khi được thẩm định, thẩm tra theo quy định. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn vai trò cá nhân trong cung cấp thông tin vì nhiệm vụ này đã được quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại khoản 4, khoản 6 Điều 7 là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Điều 7 về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định cụ thể về các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; trách nhiệm của Nhà nước bố trí ngân sách đầu tư xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Dự thảo luật cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý, vận hành hoặc thuê xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan chỉ đạo việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản liên quan đến tài nguyên nước để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin với cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước và số liệu quan trắc…
Đóng góp ý kiến vào quy định tại Điều 7, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tản công nghệ số thông qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn nước, nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước, thống nhất quản lý tài nguyên nước theo một chu trình từ điều tra đánh giá tổng thể trữ lượng quy hoạch bảo vệ, phát triển tài nguyên nước đến điều hòa phân phối và khai thác sử dụng nước phòng chống tác hại do nước gây ra.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng được kế thừa và xây dựng trên nền tảng Luật Tài nguyên nước hiện hành được thực hiện ổn định, tiếp tục điều chỉnh cả về hoạt động khai thác sử dụng nước nhưng ở mức độ bảo đảm nguồn nước cho khai thác sử dụng thể hiện khá rõ, tách bạch sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về nguồn nước và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng vận hành công trình thủy lợi thủy điện cấp nước đô thị nông thôn.
Góp ý vào Điều 7 về hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước. Do vậy, việc phát triển hạ tầng dữ liệu tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại khoản 7 Điều 7 dự thảo luật quy định: "Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 51 của luật này và pháp luật có liên quan". Tuy nhiên, Điều 51 của dự thảo luật chủ yếu quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về xây dựng, vận hành, di chuyển, thay đổi, giải thể trạm quan trắc và giám sát khai thác tài nguyên nước chứ không quy định về nội dung thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Đại biểu đặt câu hỏi đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo Điều 51 là cung cấp những thông tin gì?
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã hướng tới tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại của thế giới là quản lý, quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Hiện nay, việc quản lý, vận hành các mạng quan trắc tài nguyên nước ở trung ương và địa phương do các cơ quan, đơn vị của nhà nước thực hiện, tuy nhiên kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân do thiếu nguồn lực thực hiện; thực tế hầu hết các địa phương chưa xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước của địa phương, chưa có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ở địa phương; thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán, chưa thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nước, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước.
Để giải quyết tình trạng này, cần thiết phải đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia để dùng chung, thống nhất trên phạm vi cả nước. Trong đó có các phần mềm, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân phối nước; vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực và các dịch vụ đi kèm để khai thác, sử dụng hệ thống dữ liệu này.
Nội dung xây dựng hệ thống thông tin sơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia chưa được luật hóa trong Luật tài nguyên nước năm 2012, vì vậy áp dụng quy định Luật hiện hành trung ương và các địa phương tự tổ chức xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của mình, có sự tích hợp, chia sẽ giữa các cơ sở dữ liệu để quản lý theo mô hình phân tán. Việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo mô hình phân tán đòi hỏi chi phí xây dựng, chi phí quản lý, vận hành cao và khó đạt được sự đồng bộ, thống nhất, ổn định trong việc cập nhật, chia sẻ dữ liệu và thực tế đa phần các địa phương chưa đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước tại địa phương mình.
Đại biểu Vương Thị Hương-Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đồng tình cao với việc thiết kế mô hình quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung trên phạm vi toàn quốc quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, để có một hệ thống thông tin thống nhất xử lý toàn bộ dữ liệu liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước, cũng như các dữ liệu có liên quan đến ngành nước từ đó đưa ra những quyết định trong công tác quản lý về tài nguyên nước được kịp thời và đồng bộ.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo mô hình tập trung sẽ đòi hỏi phải bố trí nguồn lực tương xứng, và khi được đầu tư càng sớm thì việc quản lý tài nguyên nước sẽ mang lại những kết quả tích cực và thực sự có ích, tuy nhiên trong dự thảo Luật chưa có quy định rõ ràng về thời hạn, lộ trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Do vậy, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung quy định về thời hạn, lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia nhằm phục vụ cho công tác quản lý, quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đánh giá cao các quy định để hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải được thực hiện bằng công cụ mô hình số hóa thông tin, dữ liệu để hỗ trợ việc ra các quyết định về việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Đây là chính sách hết sức đúng đắn, bắt kịp với xu thế chung của thế giới và phù hợp với mục tiêu quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần khẩn trương đầu tư đủ nguồn lực để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung cũng như là nền tảng để phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
“Để thúc đẩy việc đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định. Việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này là rất cần thiết nhưng cần xem xét các quy định về cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực đầu tư từ tổ chức, cá nhân”, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần được bổ sung về kênh đào. Theo đại biểu, đầm, hồ, nước đã được quy định và có điều luật điều chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào...
Theo đại biểu, tại Việt Nam, loại hình công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Đây là công trình đem lại nhiều lợi ích cho dân sinh, nông, ngư nghiệp cũng như giao thông vận tải. Đặc biệt là lợi ích từ mô hình này đem lại đối với việc giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm kinh phí cho nhân dân và doanh nghiệp bởi độ sinh lời khá lớn và ổn định.
Bên cạnh đó, một số kênh đào nổi tiếng trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải và phát triển kinh tế năng động, thú vị. Công trình kênh đào tại tỉnh Nam Định cũng có tính chất hoạt động khoa học công nghệ như vậy. Như vậy, mô hình này rất cần thiết được quy định trong Luật Tài nguyên nước. Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này, kể cả việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình này.