Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và dấu ấn tại những công trình trọng điểm quốc gia

Mai Hạ|24/08/2023 11:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong hơn 2 năm giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Văn Thành đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, nhất là hình ảnh người lãnh đạo tất bật, có nhiều chỉ đạo quyết liệt tại các dự án giao thông trọng điểm, công trình quan trọng của đất nước.

23-pttg-le-thanh.jpg
Chân dung Phó Thủ tướng Lê Văn Thành 

Tính từ ngày nhậm chức Phó Thủ tướng cho đến lúc từ trần vào 20h20 ngày 22/8/2023, ông Lê Văn Thành đã giữ vai trò lãnh đạo Chính phủ trong 2 năm 4 tháng. Ông Lê Văn Thành được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2021.

Trong thời gian làm Phó Thủ tướng, ông Lê Văn Thành được phân công theo dõi các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại - xuất nhập khẩu; xây dựng; giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, ông còn phụ trách các công trình trọng điểm quốc gia; dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo phân cấp của pháp luật; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành theo dõi và chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường.

Hoạt động gần nhất của ông Lê Văn Thành là dự hội nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại trụ sở Chính phủ chiều 16/11/2022.

Ngày 21/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra Quyết định về việc phân công chỉ đạo, giải quyết công việc trong thời gian Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đi nước ngoài. Các nhiệm vụ của ông Thành được hai Phó Thủ tướng khác đảm nhiệm từ ngày này.

Người lãnh đạo sâu sát và quyết liệt

24-pttg-lvt-tb2.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đi thị sát công trường dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Việc "đại dự án" Nhiệt điện Thái Bình 2 hồi sinh sau hơn 1 thập kỷ ngủ yên có sự đóng góp lớn của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Kể từ cuộc họp Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 25/7/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được Thủ tướng giao trực tiếp xử lý các vướng mắc của dự án với tinh thần "phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra".

Sau đó 1 tuần, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã cùng đoàn công tác trực tiếp xuống kiểm tra thực địa và giao ban tại công trường về tiến độ dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Từ đó, gần như định kỳ hằng tháng, ông đều chủ trì giao ban, xử lý vướng mắc về dự án, đặc biệt là xử lý vướng mắc về "niềm tin và trách nhiệm".

Đến nay, nhiều cán bộ, công nhân của dự án hẳn vẫn còn nhớ câu nói của Phó Thủ tướng: "Tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí, không để các đồng chí làm một mình, chịu trách nhiệm một mình". Lời động viên của lãnh đạo Chính phủ đã truyền lửa nhiệt huyết, tạo ra khí thế mới cho dự án. Phó Thủ tướng còn yêu cầu Ban Quản lý dự án lắp đồng hồ đếm ngược và tấm biển ngay tại lối vào trụ sở in dòng chữ: "Mỗi ngày vào sớm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng".

Phát biểu tại lễ khánh thành dự án vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá dự án hoàn thành "được người, được của, được tổ chức, được lòng dân".

Với phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thường xuyên xuống công trường đôn đốc dự án, giao ban thường kỳ hằng tháng về tiến độ các dự án trọng điểm, "vướng đến đâu, gỡ ngay đến đó".

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là một trong những đại dự án mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành sự quan tâm cao nhất, rốt ráo chỉ đạo triển khai trong thời gian qua.

24-pttg-lvt2.jpg
Phó Thủ tướng theo dõi việc đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 Nhà điều hành trung tâm Nhiệt điện Thái Bình 2

Là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho tuyến cao tốc huyết mạch của đất nước.

Bên cạnh tháp tùng Thủ tướng Chính phủ trong các chuyến công tác "xuyên Việt, xuyên Tết" kiểm tra dự án cao tốc Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thường xuyên có mặt tại hiện trường, chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ ngành, địa phương để đốc thúc từ công tác giải phóng mặt bằng đến chuẩn bị nguyên vật liệu,…

Việc Chính phủ ban hành 2 nghị quyết đặc thù (Nghị quyết 133, Nghị quyết 66) chỉ trong 3 tháng để giải quyết "bài toán" thiếu vật liệu đắp nền cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là một điều hiếm thấy dành cho một dự án. Những Nghị quyết này đều ghi dấu ấn của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Mỗi lần đến kiểm tra, thăm cán bộ, công nhân tại công trường dự án, Phó Thủ tướng không chỉ đốc thúc tiến độ mà cũng không quên nhắc nhở "các đồng chí hãy làm vì danh dự" của những người nhận sứ mệnh "đi trước mở đường". Các nhà thầu, đơn vị thi công hãy làm vì thương hiệu của mình, vì danh dự, trọng trách với đất nước; giữ đúng lời hứa, tạo nên những tuyến đường cao tốc "cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau".

Mỗi cuộc họp, ông đều đặt ra các mốc tiến độ cụ thể phải hoàn thành với tinh thần nỗ lực, quyết liệt, đổi mới để "chạy đua với thời gian", không bỏ lỡ cơ hội để phát triển đất nước. Cuộc họp nào cũng phải có kết quả cụ thể.

Tại cuộc họp về việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) trên toàn quốc ngày 24/6/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành một lần nữa khẳng định kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 31/7/2022. Sau thời hạn này, nếu trạm thu phí nào chưa hoàn thành sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Với "tối hậu thư", tuyên bố dứt khoát trên của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, việc triển khai hệ thống ETC đã không còn chuyện dùng dằng, lấy lý do để biện minh cho việc chậm trễ như những lần trước.

Tại cuộc họp với Bộ GTVT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác ngày 27/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đặt ra yêu cầu cụ thể đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) là: Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho Thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.

Với sự đốc thúc quyết liệt của Phó Thủ tướng, ngày 6/11/2021, sớm hơn mốc đề ra 4 ngày, các chuyến tàu đường sắt trên cao đầu tiên của TP Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một trong những vị khách đầu tiên lên tàu tại ga Cát Linh (đầu tuyến) khởi hành đến ga Yên Nghĩa (cuối tuyến).

24-pttg-lvt-gday.jpg
Phó Thủ tướng nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Với dự án sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành luôn nhắc nhở phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ, "công trình này không cho phép chúng ta chậm nữa". "Đây là công trình trọng điểm, ai mà chậm, làm ảnh hưởng tiến độ thì đứng ra ngoài, để người khác làm".

Có những thời điểm, không chấp nhận cách làm túc tắc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chủ đầu tư đổi mới tư duy, cách làm và hứa sẽ ghé vai cùng các bên bảo đảm tiến độ sân bay Long Thành. Ông cũng khuyên "các đồng chí cố gắng giữ cam kết đã đưa ra".

"Tư lệnh chiến trường" trách nhiệm và gần gũi

Không chỉ quyết liệt đối với các dự án, công trình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành rất sâu sát, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.

Hình ảnh Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mặc áo mưa, đội mũ cối đi vào các vùng tâm bão số 4 năm 2022 đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhiều người dân miền Trung. Đây là siêu bão (có tên quốc tế Noru) mạnh nhất trong vòng 20 năm, với sức gió giật tới cấp 17.

Ngay từ khi bão mới hình thành ngoài khơi đảo quốc Philippines, còn cách xa Biển Đông, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đã họp trực tuyến với 16 địa phương ven biển (chiều 25/9/2022) để bàn cách ứng phó bão. Ít phút sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn về phòng chống cơn bão mạnh này.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền vài giờ đồng hồ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra công tác phòng chống và đặt Sở chỉ huy tiền phương tại nơi tâm bão dự kiến đi qua. Ông ra mệnh lệnh tất cả các phòng trực tuyến ở các địa phương trọng điểm đón bão phải mở cả đêm. Dành cả buổi chiều đi dọc một số tỉnh miền Trung, ông bày tỏ vui mừng khi "đến 5 giờ chiều, không còn một người dân ở trên đường". An toàn, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

24-pttg-lvt1.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành điều hành xuyên đêm từ tâm bão

Tối hôm đó, từ trung tâm điều hành của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành triệu tập các đầu cầu báo cáo diễn biến tình hình, các ảnh hưởng của bão.

Phó Thủ tướng đã điều hành xuyên đêm từ tâm bão (điểm cầu Thừa Thiên Huế), bởi "đến đây chống bão chứ không phải để ngủ". Cả đêm, liên tiếp thông tin đổ về "đại bản doanh", đường dây nóng hoạt động liên tục. Bão càng gần bờ thì nhiệt huyết, trách nhiệm, chủ động càng dâng cao.

Ánh mắt vị "tư lệnh chiến trường" luôn dõi theo các hình ảnh, đồ họa, con số chạy trên những màn hình đặt quanh phòng, kết nối với các đầu cầu trực tuyến, những địa điểm chịu tác động nặng nề bởi bão. "Thủy, hỏa, đạo, tặc", một chút chủ quan trước đại họa sẽ phải trả giá đắt, nhất là khi đối diện với đại họa hàng đầu. Mặc dù là cơn bão rất mạnh nhưng với sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống, thiệt hại do bão gây ra được hạn chế ở mức thấp nhất, đặc biệt là không có người chết.

24-pttg-lvt.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thị sát điểm sạt trượt ở sườn đồi Ông Tượng, tỉnh Hòa Bình

Hình ảnh người lãnh đạo sâu sát, trách nhiệm, quyết liệt, gần gũi còn ghi dấu ấn trong lòng người dân, các cán bộ, công nhân, người lao động khi ông trèo đồi Ông Tượng để thị sát, kiểm tra thực địa công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng trong bối cảnh khu vực bị ảnh hưởng của mưa kéo dài nhiều ngày. Hay ông xuống hầm mỏ ở độ sâu gần 300m dưới mực nước biển tại khu vực mỏ than Công ty Than Núi Béo TP Hạ Long, Quảng Ninh… để kiểm tra tình hình sản xuất, động viên những người thợ mỏ.

Biết rằng dưới hầm sâu kia là khối công việc vất vả, đôi khi còn phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng chứng kiến sự lạc quan đến bình thản của những người thợ mỏ khi sản xuất ra "vàng đen" cho Tổ quốc, Phó Thủ tướng dành sự cảm phục, bày tỏ biết ơn cũng như biểu dương đội ngũ thợ mỏ. Ông còn mang quà, trao tận tay những người thợ trong hầm mỏ trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Còn nhiều câu chuyện không thể nói hết trong khuôn khổ một bài báo để nói về ông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Tối 22/8/2023, trái tim đầy nhiệt huyết đó đã ngừng đập, để lại bao sự tiếc nuối bởi ai cũng mong rồi có một ngày, ông sẽ khỏe lại, sẽ lại hăng say lao vào công việc, sẽ lại đi khắp đất nước để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những công trình, dự án với những biện pháp quyết liệt, hiệu quả.

Cuối cùng, điều kỳ diệu không đến, không ai tránh được quy luật "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng những đóng góp, dấu ấn của ông - cùng tập thể Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - vẫn tiếp tục truyền cảm hứng, tiếp sức cho chúng ta trong quá trình thực thi nhiệm vụ, sứ mệnh được giao. Xin kính cẩn vĩnh biệt ông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành!

Bài liên quan
  • Lễ viếng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bắt đầu từ 9h sáng nay
    Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ tang đồng chí Lê Văn Thành với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước. Lễ viếng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bắt đầu diễn ra tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng từ 9h sáng nay (24/8).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và dấu ấn tại những công trình trọng điểm quốc gia