Phong tục ngày Tết của các đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc

29/01/2020 05:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khu vực miền núi phía Bắc là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Thái, Dao … Phong tục đón Tết của mỗi dân tộc có những nét độc đáo riêng trong bức tranh đa dạng về phong tục đón Tết của các dân tộc thiểu số.

Phong tục đón tết của người dân tộc Mường ở Hòa Bình

Theo quan niệm truyền thống của người Mường, Tết không bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công, ông Táo như người Việt. Ngày Xuân của người Mường thực sự bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp. Đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm.

Ngay từ sáng sớm, đồng bào đã thực hiện những công việc cần thiết để đón Tết như: trồng cây nêu trước cửa nhà, mổ lợn, rửa bát đũa, nồi xoong, dọn dẹp nhà cửa, lau rửa công cụ sản xuất… Đây là hình thức tẩy sạch những bụi bẩn để đón năm mới hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn, an lành.

Nửa cuối tháng chạp, nhiều gia đình người dân tộc Mường bắt đầu chặt nứa hay cây giang về để tước, chẻ lạt gói bánh chưng

30 Tết theo âm lịch, người Mường gọi là ngày chín lụn, người dân cũng thức đêm đón giao thừa với các phong tục như đánh chiêng, đánh trống, con cháu ra vó lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên…

Người già đứng lên nói lời chúc con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn giàu có. Sau khi ổn định chỗ ngồi các mâm – tiếng Mường gọi là “buông cỗ”, sẽ đến thủ tục chào chúc tốt lành, mọi người mời nhau uống rượu và các món ăn trên mâm.

Vào ngày mùng một, mùng 2, thanh niên trong bản cùng trẻ nhỏ đánh chiêng cồng rộn ràng, đi qua nhà nào thì nhà ấy mở cửa cho ít tiền hoặc bánh.

Tết Nguyên đán của người Mường (Hòa Bình) là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ nghìn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau.

Phong tục đón tết của người Tày ở Cao Bằng

Cũng giống người Kinh, Tết Nguyên Đán là lễ Tết quan trọng nhất trong năm đối với người Tày. Ngày 30 Tết, người Tày cất tất cả những đồ dùng trong nhà gồm dao, dựa, cày, bừa vào một nơi rồi làm lễ cúng để nghỉ ngơi ăn Tết. Đến mồng 7, họ ra đồng làm việc nhưng chỉ mang tính hình thức và đến ngày 15, họ ăn Tết lại.

Chiều 30 Tết, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày Tết như: bánh chưng, bánh khảo, chè lam… theo phong tục; ngoài các món ăn truyền thống không thể thiếu con gà thiến để cúng. Gà cúng cần chọn con to, béo nhất đàn. Khi đã hoàn thành các món ăn, mâm cúng được bày lên bàn thờ chính. Nhiều gia đình còn lập thêm mâm cúng được đặt bên ngoài nhà vì quan niệm để dành cho những linh hồn tha phương. Mọi thủ tục cúng xong, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên – bữa cơm sum họp gia đình và là điều kiện để họ hàng, anh em tụ tập với nhau tâm sự và đúc kết kinh nghiệm trong một năm lao động sản xuất. 

Bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết của người Tày được các gia đình dựng 4 cây mía vào 4 góc chân bàn thờ để tỏ lòng thành kính mời tổ tiên về ăn Tết.

Thời khắc giao thừa đến, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang dụng cụ là ống tre đến mỏ nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ. Người đến mỏ nước sớm nhất sẽ được ban phát nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong năm. Theo quan niệm, ống nước được đặt lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. 

Người Tày kiêng sáng mùng 1 có người không mời mà vào nhà. Những người được chọn và mời xông nhà ngày Tết phải là người có đạo đức trong bản, người có phúc lớn, đặc biệt kỵ nhất là mời người có tang đến xông nhà.

Những ngày trong dịp Tết, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, tung còn… diễn ra sôi nổi tạo không khí vui tươi.

Phong tục đón tết của người Thái trắng

Ngày tết của đồng bào Thái trắng vùng Tây Bắc không thể thiếu loại bánh truyền thống là bánh chưng, bánh bỏng, bánh “khảu tắt”.  Nhưng bánh chưng của đồng bào là chiếc bánh chưng gù. Bánh bỏng, được làm từ xôi nếp, phơi khô, rán. Còn “khảu tắt” là một loại bánh được chế biến từ gạo nếp ngâm, ăn ngon, được nhiều người ưa thích, chỉ có người Thái làm.

Mâm cơm Tết của mỗi vùng mang đặc trưng riêng, hầu hết thực phẩm do bà con tự nuôi trồng, xôi ngũ sắc, thịt gà, cá suối, thịt lợn…

Vào những ngày nắng ráo giáp tết, nhà nào cũng phơi bánh, cắt bánh. Làm bánh ngày tết không chỉ đơn thuần là làm món ăn truyền thống mà còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, chu đáo của phụ nữ dân tộc Thái.

Ngày 30 tết, ngay từ sáng sớm, nhà nào cũng mổ một con lợn. Bốn chân và đầu đuôi để cúng tổ tiên, phần nạc làm thịt sấy, ba chỉ ướp muối, còn phần vừa mỡ vừa nạc làm lạp sườn, làm nem thính… Thịt lợn không chỉ ăn ngay trong mấy ngày Tết, mà còn treo gác bếp để ra Giêng.

Với đồng bào Thái trắng, mâm cỗ cúng tổ tiên rất được coi trọng. Ngoài mâm cỗ thủ và bốn chân lợn, bánh trái ngày tết, còn phải có “bók piếng”, tức là một loài hoa bông nhỏ màu trắng không héo để thờ cúng trên ban thờ quanh năm và hai cây mía (cả lá) dựng hai bên bàn thờ. Theo quan niệm của người Thái, hai cây mía tượng trưng cho chiếc thang bắc để tổ tiên về ăn tết cùng với con cháu.

Tết đến xuân về, khắp bản trên xóm dưới, bà con quây quần bên nhau nghe tiếng tính tẩu hoà với điệu khắp da diết, cùng thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, bản làng yên vui.

Phong tục đón tết của người Pu Péo ở Hà Giang

Người Pù Péo miền rẻo cao Hà Giang có tục lệ đón năm mới rất lạ. Theo quan niệm của đồng bào, bánh chưng và nước suối là hai sản vật thiêng liêng, gần gũi không thể thiếu trong nghi thức đón Tết cổ truyền. Nghi thức đón Tết của người Pù Péo diễn ra trong ba ngày: 29, 30 và mùng một Tết, còn lại là những ngày xuân vui chơi thăm hỏi chúc tụng trong cộng đồng dòng họ.

Tối ngày 29 Tết, bà con Pù Péo gói bánh chưng đen cúng tiễn năm cũ. Vẫn là lá dong gạo nếp nhân đỗ nhưng gạo được nhuộm màu đen của nước lá cây rừng không độc hại, nhân bánh được làm bằng đậu đen hoặc vừng đen. Bánh chín trong đêm được cúng lễ tiễn năm cũ vào sáng sớm 30 Tết, lúc tinh mơ gà gáy – bà con tin rằng như vậy sẽ khép lại những đen đúa, rủi ro của năm cũ.

Đêm 30 Tết, bà con nô nức gói bánh chưng trắng gồm nếp trắng, nhân đậu xanh đãi vỏ vàng ươm hoặc nhân đậu trắng. Bánh được luộc trong đêm vớt ra lúc gà gáy sáng để cúng tổ tiên đón năm mới. Bà con tin rằng với bánh chưng trắng sẽ được tổ tiên mang lại cho họ điều may mắn phúc lộc của cả năm.

Đặc biệt, lúc giao thừa, người Pu Péo còn có tục đón giọng gà hay cướp giọng gà để cầu mong may mắn cho năm mới. Khi đến thời khắc giao thừa, người Pu Péo canh chừng mấy chú gà trống. Khi gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc.

Khi bước sang năm mới, vào sáng mùng 1 Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh “nước bạc, nước vàng” để cầu may… Khi đi, họ mang theo một bó hương và giấy vàng, đến mỏ nước thì đốt hương cầu khấn, sau đó lấy đầy nước vào thùng rồi bỏ giấy vàng vào đó và gánh về. Đó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, cầu cho mưa gió thuận hoà để có đủ nước cấy trồng.         

Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú.

Phạm Lê

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phong tục ngày Tết của các đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc