Phóng viên môi trường cần nêu cao trách nhiệm, đừng dễ dàng thỏa hiệp

Thế Đoàn – Ngọc Hằng|21/06/2020 09:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhân dịp 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện cùng Nhà văn, Nhà báo môi trường Nguyễn Văn Học – Phóng viên Báo Nhân dân.

Nhà văn, Nhà báo môi trường Nguyễn Văn Học – Báo Nhân dân.

PV: Xin chào Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Văn Học! Cơ duyên nào đã đưa anh đến với mảng đề tài môi trường trong lĩnh vực báo chí?

NB Nguyễn Văn Học: Có thể nói hầu hết chúng ta đều được sinh ra, hoặc gắn bó với một vùng quê nào đó. Tình yêu thiên nhiên luôn chảy tràn và ấp iu trong những lời ru của mẹ, lời dạy của cha. Tôi sinh ra ở vùng quê huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Tình yêu thiên nhiên đã thắm đượm trong cuộc sống hiện đại và hằn in trong cả tiềm thức. Bởi vậy khi đi làm báo, dấn thân cho công việc, ngoài những vấn đề khác, tôi cũng rất quan tâm nhiều đến môi trường. Quan tâm là bởi trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhất là từ sau năm 2005 trở lại đây, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn nhức nhối và cần cảnh báo trên toàn cầu. Chính con người là thủ phạm nhưng cũng là đối tượng gây nên những vết thương cho môi sinh. Trong quá trình tác nghiệp và cuộc sống, tôi thấy nhiều khi con người chúng ta rất thiếu ý thức, thậm chí cố tình tàn phá bầu không khí chung, và coi chuyện bảo vệ môi trường là của cơ quan chức năng chứ không phải việc của mình. Tôi nghĩ, với trách nhiệm của một nhà báo, nhà văn và một công dân, cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc khơi gợi, tôi không thể đứng ngoài cuộc, cần lên tiếng bảo vệ môi trường. Báo chí là một trong những phương tiện giúp tôi có thể làm được điều đó.

PV: Khi tiếp cận, khai thác đề tài môi trường thì anh đã gặp phải những khó khăn gì? Với kinh nghiệm của mình anh có thể chia sẻ bí quyết của bản thân để có những tuyến bài hay, thu hút độc giả và dư luận xã hội?

NB Nguyễn Văn Học: Đã làm báo nghiêm túc thì đề tài nào cũng khó khăn cả. Nhưng làm về lĩnh vực môi trường có đặc thù là sẽ động chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi hoặc miếng cơm manh áo của một số người, một số đối tượng phạm pháp. Nên khi lấy thông tin thường bị cản trở, bị bưng bít, không nhận được sự phối hợp của cán bộ cơ sở khi họ là “bảo kê” hoặc có lợi ích ở trong đó. Ví dụ như chuyện lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng…Đôi khi tính mạng người làm báo cũng bị ảnh hưởng bởi các đối tượng dở thói côn đồ.

>>>Xem thêm: Tự hào nghề báo – Kỉ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6

Để có những tuyến bài hay người làm báo phải biết xót xa cho môi trường và tài nguyên chung của đất nước. Chúng ta cũng phải yêu thiên nhiên, môi trường, yêu và thương con người đang phải oằn mình trong vùng ô nhiễm. Người làm báo phải biết rằng con người là một sinh thể trong thiên nhiên và có tác động qua lại. Từ đó việc truyền tải thông tin sẽ xúc động hơn, người đọc nhìn thấy “cái tâm” người làm báo ở trong đó. Bài báo hay, không chỉ phản ánh thông tin mà qua thông tin ấy, cái tình, cái trăn trở được hiện diện, để hướng tới cái đúng, cái nhân văn và tốt đẹp.

PV: Trong những lần đi tác nghiệp mảng đề tài môi trường, kỉ niệm nào khiến anh nhớ nhất và muốn chia sẻ với những độc giả yêu quý mình?

NB Nguyễn Văn Học: Kỷ niệm thì có khá nhiều. Nhưng hồi hộp và hoang mang nhất là những lần đi viết về hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Hồng (đoạn chảy qua Hà Nội, Hưng Yên), sông Lô (chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ). Các đối tượng khai thác cát trái phép sẵn sàng đe dọa, dùng súng tự chế để đối phó với nhà báo. Thậm chí chúng “tóm” được là sẵn sàng hành hung nhà báo. Nghe cán bộ cơ sở nói về việc các đối tượng đánh nhau, đánh dân khiến tôi rùng mình. Một lần ghé sát bờ sông Lô chụp cảnh sạt lở bãi bồi do tàu hút cát sát vào bờ, có hai đối tượng vây tôi, buộc tôi phải lẩn vào bờ bụi và các ruộng ngô để chạy thoát thân, rồi đi ven bờ bãi chừng 2 cây số, nhờ một người dân đưa về chỗ đã gửi xe máy.

Đầu tháng 8 năm 2017 lũ quét khủng khiếp xảy ra ở Mường La (Sơn La), cuốn trôi nhiều nhà cửa, cầu cống khiến dư luận bàng hoàng. Tôi cũng đã có mặt để tác nghiệp và nhận thấy đó là nỗi đau, nỗi mất mát do thiên nhiên nổi giận giáng xuống. Thiên tai khiến chúng ta không thể không suy nghĩ, khiến chúng ta thêm một lần biết rằng, thiên nhiên ôn hòa nhưng cũng dữ dằn.

Nhà báo Nguyễn Văn Học trong chuyến đi tìm hiểu viết bài ở sông Thương (Bắc Giang).

PV: Theo quan điểm của anh, trong thời gian tới báo chí cần có phương pháp tuyên truyền vấn đề môi trường như thế nào cho hiệu quả?

NB Nguyễn Văn Học: Những năm qua, báo chí cũng đã rất tích cực tuyên truyền, bảo vệ môi trường. Nhiều phóng viên, nhà báo dấn thân, có những tuyến bài điều tra dài kỳ về các đối tượng “lâm tặc”, “cát tặc”, tình trạng đổ phế thải, rác thải, quy hoạch nhà máy xử lý rác thải chưa khoa học; những dự án cải tạo đường sá, xây dựng chưa chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường, hay những cuộc mua bán tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển, sông ngòi, làng nghề, nông thôn… Họ đã chuyển tải những thông tin hữu ích, có giá trị, xác thực. Những vấn đề bức thiết ấy, qua thông tin báo chí có tác động ngược lại đến các nhà quản lý để có biện pháp khắc phục rốt ráo và hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, bảo vệ môi trường cần tiếp tục được quan tâm như một nhiệm vụ cấp thiết để tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của xã hội hiện tại và tương lai. Muốn thế, các cơ quan thông tấn, báo chí cần sự phối hợp chặt chẽ hơn trong đấu tranh với những hành động phá hoại môi trường, đánh cắp tài nguyên hữu hình và tài nguyên xanh, tài nguyên không khí.

Tiếp đó, báo chí cần tuyên truyền sao cho mỗi người dân, đơn vị, doanh nghiệp thấy rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung, ai cũng phải chung tay, chứ không riêng gì cơ quan môi trường. Báo chí hướng tới tuyên truyền sâu hơn những tấm gương bảo vệ môi trường, có sáng kiến trong trồng rừng, bảo vệ rừng và tài nguyên, khai thác thủy hải sản bền vững, có sáng tạo trong việc giảm phát thải nhựa, túi ni-lông…

Phóng viên về môi trường cũng cần nêu cao trách nhiệm, đặt công việc lên hàng đầu, bớt chuyện hạch sách doanh nghiệp, đơn vị và dễ dàng thỏa hiệp khi họ cho quyền lợi.

Ngày nay người làm báo trẻ đôi khi ngộ nhận về cái quyền của báo chí, nhưng lại dễ thỏa hiệp, dễ bị mua chuộc và quan tâm chuyện vụn vặt hơn. Điều này tôi đã nhận được phản ánh của địa phương khi tác nghiệp. Đôi khi cũng rát tai khi cán bộ địa phương phản ánh vừa bị báo chí “hành” một chuyện rất nhỏ. Trong điều tra, cần cương quyết làm trên nguyên tắc chứ không phải là hạnh họe để đòi địa phương phải chi tiền rồi nhãng ra không viết bài. Cũng phải thông cảm một điều là phóng viên mới vào nghề lương thấp, hoặc không có lương nên dễ lung lay trước những “gợi ý” nho nhỏ.

Muốn rèn nghề, phóng viên trẻ nên học hỏi người đi trước, có sự phối hợp để khỏi bị trả thù khi nói về cái tiêu cực của một tổ chức, cá nhân nào đó. Tiếp đó có kỹ năng điều tra, chắc chắn để không viết sai thông tin và bị “kiện ngược”. Một điều nữa cũng không kém phần quan trọng, là phải đọc, phải học kỹ để tránh lỗi chính tả, lỗi diễn đạt khi viết. Một bài báo hay cũng cần bố cục chặt chẽ, có thắt nút, mở lút, sự trăn trở sâu sắc của ngòi bút.

Xin cảm ơn nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học. Chúc anh luôn mạnh khỏe và có nhiều tác phẩm báo chí hay hơn nữa đóng góp vào mảng đề tài môi trường trong thời gian tới.

Thế Đoàn – Ngọc Hằng

Bài liên quan
  • Nhà báo Lê Anh Đạt: Nghề báo – Dễ mà khó
    Moitruong.net.vn – Báo chí được xem là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải có phẩm chất cá nhân, luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng. Để trở thành nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có phông kiến thức nền sâu rộng, kiến thức thực tiễn phong phú, lòng đam mệ, sự bền bỉ và sự dấn thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phóng viên môi trường cần nêu cao trách nhiệm, đừng dễ dàng thỏa hiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.