Phù Cát (Bình Định): Tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022

Thế Hà|24/03/2022 12:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, huyện Phù Cát (Bình Định) đã chủ động triển khai thực hiện sớm, đồng bộ; tập trung trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở các xã có diện tích rừng lớn và nguy cơ cháy rừng cao.

Cụ thể, các lực lượng đã thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, trong đó biện pháp quan trọng phòng cháy là chính. Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác PCCCR hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, Hạt kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo công tác bảo vệ PCCCR năm 2022.

Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát phối hợp với các lực lượng, địa phương có rừng và các chủ rừng xử lý thảm thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy và tạo các đường băng cản lửa. Ngoài việc chỉ đạo các địa phương có rừng tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR, kiểm soát nguy cơ cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR; tăng cường kiểm tra PCCCR, rà soát bổ sung phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa ở những khu vực có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa nắng nóng. Kiện toàn hệ thống chỉ huy điều hành PCCCR các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với địa bàn được giao phụ trách thường xuyên kiểm tra đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR.

Kiểm lâm viên tuần tra rừng đầu nguồn xã Cát Sơn, huyện Phù Cát

Theo thống kê, toàn huyện có 23.200 ha rừng, gồm 16.000 ha là rừng tự nhiên và 7.200 ha rừng trồng. Trong tổng diện tích rừng có trên 9.500 ha là rừng phòng hộ, gần 14.000 ha là rừng sản xuất. Theo đó, UBND huyện đã kiện toàn 17 ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng và PCCCR từ huyện đến xã. Đồng thời, thành lập được 61 tổ PCCCR và BVR ở thôn. Mỗi tổ có từ 12- 15 người, gồm có chủ rừng và lực lượng thanh niên xung kích; đã được tập huấn các kỷ năng PCCCR.

Với phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy”, ngay từ đầu mùa nắng, UBND huyện đã có kế hoạch chỉ đạo các ngành chức năng và các xã có rừng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương có rừng quan tâm hơn đối với công tác PCCCR. Lực lượng kiểm lâm cũng đã phối hợp với những chủ rừng tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm dễ có nguy cơ cháy rừng để có thể chủ động triển khai công tác PCCCR. Bên cạnh đó, các chủ rừng thường xuyên kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, phát hiện sớm các điểm cháy rừng để huy động lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng cũng đã thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đối với những khu rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành rà soát, khoanh vẽ các vùng trọng điểm dễ cháy rừng trên bản đồ PCCCR như: Rừng phòng hộ đầu nguồn Cát Sơn, rừng phòng hộ ven biển ở các xã: Cát Chánh, Cát Hải, Cát Thành….

Ông Nguyễn Văn Tín, người dân ở Thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng và PCCCR; ông Tín chia sẻ: “Hằng năm sau Tết âm lịch là gia đình tôi tiến hành phát băng cản lửa, thu dọn thực bì đào hố chôn sâu lá khô dưới đất, làm sạch bề mặt rừng trước mùa nắng và thường xuyên kiểm tra rừng để có biện pháp xử lý kịp thời.”

Tại xã Cát Hiệp, một địa phương có trên 800 ha rừng trồng kinh tế, phần lớn diện tích rừng gần nhà hàng ngày người ra vào thường xuyên, nguy có cháy rừng rất cao, để thực hiện tốt công tác bảo vệ PCCCR, ông Nguyễn Tôn Hiến, chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho biết: “Chúng tôi thành lập mỗi thôn một đội thanh niên xung kích, được tập huấn và trang bị đầy đủ dụng cụ PCCCR; sẵn sàng có mặt kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra và thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ; yêu cầu các chủ rừng thường xuyên kiểm tra rừng trồng, nhất là việc thu gom thực bì, rác khô, xử lý đúng theo hướng dẫn của ngành kiểm lâm”.

Hạt kiểm lâm Huyện Phù Cát phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn phối hợp với địa phương và ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền các biện pháp quản lí bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Phối hợp với ban quản lí rừng phòng hộ và các hộ trồng rừng, hộ nhận quản lí bảo vệ rừng, tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lí các trường hợp gây nguy hại đến rừng. Huyện đã xây dựng được 8,8 km đường băng cản lửa, 7 chòi canh lửa, 335 biển báo cấm lửa và trang bị gần 900 dụng cụ, phương tiện cần thiết cho việc PCCCR. Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các địa phương có rừng, thành lập 16 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng, mỗi tổ, đội có từ 15 đến 20 người, được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc chữa cháy rừng; bao gồm 08 máy thổi gió, 3 bình phun hơi nước, 1 máy cắt thực bì, 2 bồn đựng nước và 40 vỉ dập lửa.

Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng, Hạt kiểm lâm huyện Phù Cát cho biết công tác chuẩn bị PCCCR năm 2022 như sau: “Tăng cường công tác tuyên truyền về PCCCR; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra công tác PCCCR, tuần tra các khu vực trọng điểm cháy rừng; thực hiện tốt các Quy chế phối hợp, kế hoạch, phương án PCCCR đã được phê duyệt; Trong đó, phòng cháy là biện pháp chính. Đồng thời, tổ chức tốt công tác cảnh bảo, dự báo nguy cơ cháy rừng, thông tin kịp thời đến các địa bàn xã để thực hiện; tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ, khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, V kịp thời tham mưu cho UBND huyện ban hành thông báo; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác chữa cháy rừng khi được huy động. Phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các xã, tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra”.

Trước mắt, các ngành chức năng và địa phương phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân, hiểu rõ tác hại của việc cháy rừng và vận động nhân dân tham gia BVR và PCCCR; xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng đến từng thôn xóm.

Thế Hà

Bài liên quan
  • Bình Định: Phù Cát áp dung công nghệ vào sản phẩm OCOP
    Moitruong.net.vn – Huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) là huyện đồng bằng ven biển, chủ yếu sản xuất nông nghiệp; nên có khá nhiều nguồn nông sản để xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay huyện Phù Cát đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP. Thời gian tới, huyện sẽ đưa thêm một số sản phẩm đặc trưng để đánh giá bình chọn sản phẩm OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù Cát (Bình Định): Tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022