Phụ nữ Việt Nam - Viết tiếp những trang sử vẻ vang trên chặng đường mới

Hoàng Thơ|20/10/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của mình bằng những chiến công đậm nét. Phát huy tinh thần đấu tranh quật cường, khẳng định ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, phụ nữ Việt Nam đã tiếp viết những trang sử mới, để lại dấu ấn đậm nét với Nhân dân và bạn bè quốc tế, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Những mốc son lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam

Từ những buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của mình bằng những chiến công đậm nét với tinh thần đấu tranh quật cường, khẳng định ý chí độc lập dân tộc của Bà Trưng, Bà Triệu. Những tấm gương Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, nữ tướng Bùi Thị Xuân... đã bước vào trang sử hào hùng vinh quang của dân tộc.

Đến thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, phụ nữ tham gia đông đảo vào các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục với những cái tên nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai... Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng phụ nữ bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của nữ giới.

phu-nu-3.jpg
Từ những buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của mình bằng những chiến công đậm nét

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ngay từ khi ra đời đã chỉ rõ “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc sống cũng như trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Năm 1930 là mốc son chói lọi đánh dấu sự ra đời của Đảng và cũng là thời điểm Hội Phụ nữ chính thức được thành lập. Kể từ đây, Hội Phụ nữ đã trở thành địa chỉ đỏ quen thuộc, là nơi tập hợp, dẫn dắt chị em đấu tranh chống quân xâm lược, giành độc lập, tự do. Đó là những “Đội quân tóc dài”, các đội nữ du kích, nữ biệt động với những chiến công hiển hách, những phong trào “Ba đảm đang”, “Phụ nữ 5 tốt”, “Tay cày tay súng, Tay búa tay súng”; là nơi ghi dấu của những người mẹ, người vợ, người con gái đã trở thành chiến sĩ và hậu phương lớn cho chiến trường…

Trong năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản từ ngày 6/1 đến 8/2, Hội nghị quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội Phụ nữ Giải phóng. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất vào tháng 10/1930 cũng đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ Hiệp hội”. Đồng thời, Trung ương Đảng đã đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội.

Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, tổ chức “Phụ nữ Giải phóng” thực hiện đa dạng các phương thức tổ chức, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến, trong đó điển hình là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

ba_dam_dang_anh_2.jpg
Phụ nữ Việt Nam vừa là những người mẹ, người vợ, đồng thời cũng trở thành chiến sĩ và hậu phương lớn cho chiến trường

Vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng chủ trương: "Vận động phụ nữ tổ chức các Hội phụ nữ phản chiến, các Hội cứu tế, bảo an… để giúp đỡ nhau, chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình". Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội Phụ nữ phản đế. Thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, các tầng lớp phụ nữ được tập hợp trong tổ chức “Hội Phụ nữ phản đế”, thành viên của Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1939), và “Đoàn Phụ nữ cứu quốc”, thành viên của Mặt trận Việt Minh (năm 1941) để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, tập hợp và xây lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Trong đó, Đoàn Phụ nữ cứu quốc chính thức được thành lập ngày 16/6/1941. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc giải quyết nạn đói... Hội phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tôi luyện và trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến

Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ, trong đó Đoàn Phụ nữ cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là 1 tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Từ ngày 18 đến 29/4/1950, Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất được diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên (Chiến khu Việt Bắc). Đoàn Phụ nữ cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành 1 tổ chức Hội thống nhất, lấy tên là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn này đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện nhiều phong trào như: “Diệt giặc dốt”; “Diệt giặc đói”: “Đời sống mới”; Phụ nữ tăng gia sản xuất bảo đảm cho bộ đội “ăn no đánh thắng”. Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công.

phu-nu-khang-chien.jpg
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tham gia kháng c hiến

Cũng trong giai đoạn này, lực lượng phụ nữ tham gia dân quân du kích ngày càng nhiều. Tiêu biểu là đội “nữ du kích Hoàng Ngân” thu hút 7.365 chị em tham gia. Các chị đã cùng quân dân tỉnh Hưng Yên đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng. Phong trào nữ du kích Hoàng Ngân còn được Bộ Quốc phòng tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền nam và miền bắc…

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa, Puộc, Xá… đã tham gia đông đảo. Có thể nói, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở miền nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, để đáp ứng yêu cầu cách mạng, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức Hội phụ nữ 2 miền nam-bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội 2 miền phát động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ.

Trong giai đoạn này, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua phù hợp với tình hình thức tế: phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt; phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào “Ba đảm đang” là bước phát triển mới của phong trào “5 tốt”, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1965-1975, là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và là bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.

khang-chien-2.jpg
Phụ nữ Việt Nam được tôi luyện và trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 6/1976 quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đến năm 2010, tại thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là Ngày Phụ nữ Việt Nam, thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và chính thức là Ngày Phụ nữ Việt Nam.

1958.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu phụ nữ và thiếu nhi các dân tộc tỉnh Lào Cai, năm 1958

Phụ nữ Việt Nam - Viết tiếp những chiến công rực rỡ suốt nhiều thập kỉ phát triển và hội nhập

Qua mỗi kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc là một cột mốc đánh dấu sự phát triển và vai trò cực kỳ quan trọng của tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Các phong trào do hội phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong suốt quá trình đổi mới, phát triển vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Mục tiêu giải phóng phụ nữ là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình đẳng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân... là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

dai-hoi.jpg
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị-xã hội của phụ nữ cả nước

Điều cần nhấn mạnh trong giai đoạn này là công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ được thể hiện rõ hơn, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12/7/1993, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 10/5/1994; Quốc hội và Chính phủ đã thể chế hóa bằng các luật, pháp lệnh, nghị định... nhằm phát huy vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng cao hơn.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội cũng như cấp ủy và hội đồng nhân dân các cấp tăng lên theo từng nhiệm kỳ. Đáng trân trọng, lần đầu tiên có nữ Ủy viên Bộ Chính trị là đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ (1996), tiếp đó là đồng chí Tòng Thị Phóng, phụ nữ người dân tộc thiểu số đầu tiên tham gia Bộ Chính trị và giữ trọng trách Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội. Đặc biệt, năm 2016 lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân. Điều đáng ghi nhận nữa là năm 2019 và hiện nay, lần đầu tiên có 9 nữ bí thư tỉnh ủy, 2 nữ chủ tịch UBND tỉnh cho thấy đội ngũ cán bộ nữ được đánh giá đúng và đề cao trong lãnh đạo, quản lý hướng đến sự bình đẳng thực sự.

ctqh__tuyenthe-13_54_49_974.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức

Bước vào kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), phong trào phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sự phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động... sẽ giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong cân đối việc làm với cuộc sống gia đình. Sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, lao động nữ trong những công việc giản đơn, chưa qua đào tạo, có tiền lương thấp dễ bị mất việc làm nhất do sự thay thế công nghệ. Những người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, do sự hạn chế về học vấn, đào tạo tay nghề, lại chịu nhiều áp lực hơn bởi những định kiến giới truyền thống sẽ là tầng lớp chịu nhiều rủi ro hơn cả trong vấn đề này.

Hội LHPN Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng để giúp chị em phụ nữ vượt qua những thách thức này. Những nội dung mà hội cần phải tập trung trong công tác phụ nữ chính là chăm lo đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ chưa qua đào tạo; Phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động; Truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về Cách mạng 4.0 và những yêu cầu của giai đoạn mới, tầm quan trọng của việc rèn luyện các phẩm chất cần thiết để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 như ý thức tổ chức, kỷ luật, khả năng sáng tạo, sự thích ứng...

Hội LHPN Việt Nam cũng cần có các phương thức phù hợp để phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ tham gia và chất lượng tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo, quản lý, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Phụ nữ Việt Nam, với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt với kinh nghiệm hoạt động hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phẩm chất tự tin và tự trọng, sẽ nỗ lực chuẩn bị một cách tốt nhất, trang bị những kỹ năng mới, luôn tự khẳng định mình, vươn lên sẵn sàng thích ứng với những yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0.

5_1_ebye.png
Phụ nữ Việt Nam viết tiếp những chiến công rực rỡ suốt nhiều thập kỉ phát triển và hội nhập

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn và từng bước trưởng thành, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Thông qua các phong trào, hoạt động của mình, Hội LHPN Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thập niên mới trong lịch sử của mình, vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy rực rỡ hơn bao giờ hết.

Không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ

Đảng, Nhà nước ta không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó thực hiện quyền chính trị được coi là thước đo quan trọng nhất của bình đẳng giới. Thời gian qua, việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn không ít rào cản, khó khăn, đòi hỏi cần có thêm những giải pháp đồng bộ, cũng như sự kết nối chặt chẽ từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

phu-nu-vn.jpg
Đảng, Nhà nước ta không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (Ảnh: TTX)

Quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị được hiểu là quyền được bầu cử, ứng cử và tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước. Đặt trong các tiêu chí về bình đẳng giới thì quyền chính trị của phụ nữ là một trong những quyền con người quan trọng nhất của phụ nữ.

Trong những thập kỷ gần đây, thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trong đó có quyền chính trị là một trong những vấn đề được Liên hợp quốc quan tâm và ưu tiên. Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới và bảo đảm quyền chính trị cho người dân, nhất là đối với phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Hiện nay, phụ nữ đã có vị trí và vai trò ngang bằng với nam giới, được thụ hưởng những thành quả của đời sống xã hội, được tạo cơ hội để phát triển toàn diện, được tham gia nhiều hoạt động chính trị. Dù vậy, thực tế có lúc có nơi vẫn còn tồn tại những khoảng cách chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong việc thực hiện các quyền được quy định trong pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định thành tựu và nỗ lực của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giới nói chung và bảo đảm quyền chính trị cho phụ nữ. Ngay khi mới thành lập, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quy định rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều thứ 6), “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9). Đến Hiến pháp năm 2013, nội dung này được tiếp tục hoàn thiện: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt.

pn.jpg
Phụ nữ Hà Nội trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024)

Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” (Điều 26). Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Từ định hướng chỉ đạo sáng suốt của Đảng, thời gian qua, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 3/3/2021, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sớm ký Công ước xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) vào 29/7/1980 và phê chuẩn vào 27/11/1981.

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6/2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ hạng 83 lên 72 trong 146 nước tham gia xếp hạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2022, xếp từ thứ hạng 106 lên thứ hạng 89, trong đó, tỷ lệ nữ tham chính xếp hạng 53.

Báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia chính trị thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Bà Tatiana Pugh Moreno, Đại sứ Venezuela tại Việt Nam đánh giá cao Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã thật sự tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phụ nữ Việt Nam - Viết tiếp những trang sử vẻ vang trên chặng đường mới