Phú Thọ: Hướng đi mới cho cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực

Gia Khiêm|06/08/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những năm gần đây ngoài bưởi đặc sản Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng loạt trồng giống bưởi diễn nhằm phát triển cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực.

Thanh Thủy là một trong những huyện triển khai trồng bưởi Diễn với quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Xác định là cây trồng mũi nhọn, những năm gầy đây, Thanh Thủy đã thực hiện quy hoạch, phát triển cây ăn quả thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều gia đình đã chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây bưởi có giá trị cao.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy, đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng cây trồng, phấn đấu đến hết năm 2020, diện tích trồng bưởi toàn huyện đạt 380 ha, năng suất đạt khoảng 135 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 1.530 tấn, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 300 – 400 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất bưởi chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp.

Xác định bưởi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển. Từ năm 2016 đến nay, trên 20 tỷ đồng được huy động hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh từ các nguồn kinh phí khác nhau.

Tuy đạt được kết quả quan trọng song việc phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế khiến hiệu quả chưa xứng với tiềm năng. Trước hết, sản xuất bưởi chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp. Tư tưởng một số bộ phận nông dân còn mang tính tiểu nông, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu. Diện tích trồng mới chủ yếu vẫn còn ở quy mô nông hộ, thiếu những mô hình sản xuất lớn có tính liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Mức độ đầu tư cho cây bưởi chưa đúng mức so với cả chu trình phát triển của cây, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đồng bộ…

Bên cạnh đó, nhiều diện tích chưa triệt để áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến theo hướng dẫn nên ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ sinh trưởng của diện tích bưởi mới trồng. Đây là nguyên nhân khiến mẫu mã bưởi còn nhiều điểm hạn chế, chất lượng quả không đồng đều làm giảm giá trị thương mại, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh bưởi quả. Cùng với đó, phát triển sản xuất – tiêu thụ theo hình thức liên kết chuỗi còn chậm, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái không có hợp đồng chặt chẽ, phát triển theo hướng trang trại chưa nhiều…

Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử, hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín là những nhân tố để tạo dựng thương hiệu sản phẩm bưởi, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm bưởi trên địa bàn tỉnh. Qua đây sẽ nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sản xuất, hình thành kênh phân phối đảm bảo chất lượng, đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững thương hiệu bưởi Phú Thọ.

Gia Khiêm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Hướng đi mới cho cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực