VIDEO: Phú Xuyên (Hà Nội): Các lò gạch tại xã Hồng Thái hoạt động nhiều sai phạm, UBND huyện Phú Xuyên đã làm hết trách nhiệm?
Nhiều sai phạm được bỏ qua
Trước đó, ngày 8/12/2020, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đăng tải bài viết: Phú Xuyên (Hà Nội) – Bài 1: Người dân bức xúc vì 3 lò gạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Bài viết phản ánh, nhiều năm qua tại thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) tồn tại 3 lò gạch hoạt động liên tục ngày đêm xả khí thải và bụi gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, trước khi triển khai xây dựng lò gạch người dân đã phản đối vì nguy cơ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì UBND huyện Phú Xuyên vẫn cấp phép cho các lò gạch này hoạt động sát nhà dân ngày đêm “bức tử” môi trường, ảnh hưởng tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân nơi đây.
>> Phú Xuyên (Hà Nội) – Bài 1: Người dân bức xúc vì 03 lò gạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường
03 ống khói của các Lò gạch luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây
Để thông tin khách quan đa chiều, phóng viên (PV) đã có buổi làm việc với các chủ lò gạch. Qua buổi làm việc, những sai phạm nghiêm trọng trong việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường, đất đai, đê điều, tài nguyên nước của 3 lò gạch dần được hé lộ.
Tại buổi làm việc có ông Phạm Văn Hải – Giám đốc Công ty CP sản xuất VLXD Phú Xuyên, ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công ty CP gạch Tuynel Hồng Thái, ông Vũ Đức Vinh – Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thái và ông Trần Hồng Phúc – Cán bộ địa chính xây dựng UBND xã Hồng Thái.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hải – Giám đốc công ty CP sản xuất VLXD Phú Xuyên cho biết: Cả 3 lò gạch ở đây tại thôn Duyên Trang từ năm 2016, chính thức sản xuất từ năm 2019 với công suất 8 triệu viên/năm.
>> Phú Xuyên (Hà Nội): Lò gạch của ông Hoàng Mạnh Sức hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường
Ông Hải và ông Hà cho biết: “Hằng năm UBND huyện Phú Xuyên đều kiểm tra 2 lần việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường đối với các lò gạch, qua kiểm tra không phát hiện sai phạm gì cả. Các công ty mới chỉ bị xử phạt về việc không quan trắc môi trường định kì”
Theo ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc công ty CP gạch Tuynel Hồng Thái cho biết: “Các lò gạch được UBND huyện Phú Xuyên cấp phép cho các cá nhân chuyển đổi sản xuất gạch thủ công sang sản xuất bằng công nghệ tiên tiến. Nhưng thực tế, họ xin dự án xong không có khả năng xây dựng nhà máy nên bán lại cho chúng tôi. Sau khi nhận chuyển nhượng chúng tôi mới chỉ làm hồ sơ công chứng, xác nhận chứ chưa chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Bênh cạnh đó, ông Hải và ông Hà còn cho hay: Hằng năm UBND huyện Phú Xuyên đều kiểm tra 2 lần việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường đối với các lò gạch, qua kiểm tra không phát hiện sai phạm gì cả. Các công ty mới chỉ bị xử phạt về việc không quan trắc môi trường định kì.
Trước câu hỏi của PV về việc hiện tại các lò gạch đang sử dụng mấy giếng khoan, việc khoan giếng này đã được các cơ quan chức năng cấp phép chưa? ông Hải cho biết: Công ty sử dụng 3 giếng khoan để phun nước dập bụi, phục vụ quá trình sản xuất với chiều sâu khoảng 25m, phi 42cm. ông Hà đang sử dụng 2 giếng khoan và chưa xin phép.
Ông Hải cho chiết: “Công ty sử dụng 3 giếng khoan để phun nước dập bụi, phục vụ quá trình sản xuất với chiều sâu khoảng 25m, phi 42cm, nhưng không bị các cơ quan chức năng nhắc nhở”
Không những vậy ông Hải còn đánh đồng, so sánh với việc khai thác nước của người dân: Chúng tôi chưa xin giấy phép khai thác nưới đất vì ở quê tôi nhà nào cũng có 1-2 giếng khoan. Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên và các sở ngành chức năng Thành phố thường xuyên đi kiểm tra nhưng không ai nhắc nhở và phát hiện công ty sai phạm về vấn đề này.
Lò gạch của ông Hải ngang nhiên khai thác nước trái phép
Khi PV tiếp tục đặt câu hỏi việc quản lý phân loại, lưu giữ chất thải nguy hại được các công ty thực hiện như thế nào? ông Hải trả lời một cách rất thản nhiên: “Chúng tôi không có chất thải nguy hại nào cả”.
Chất thải nguy hại phát sinh trong qúa trình hoạt động của lò gạch ông Hải rất nhiều, nhưng ông này luôn bao biện và khẳng định lò gạch của ông không có chất thải nguy hại
Thế nhưng, trái ngược với câu trả lời của ông Hải, những gì PV ghi nhận được lại hoàn toàn khác. Theo ghi nhận thực tế tại phía cuối lò gạch của ông Hải, chất thải nguy hại như: giẻ lau, găng tay dính dầu, thùng dầu thải, đất dính dầu đều không được công ty thu gom, lưu giữ, phân loại, dán nhãn theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Tất cả đều được để lộn xộn, mỗi nơi một ít. Bên cạnh đó, trong khu vực sản xuất xuất hiện rất nhiều bình gas, gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất kì lúc nào. Nguy hiểm hơn, lò gạch của ông Hải còn ngang nhiên lắp đặt một cây dầu trái phép. Theo ghi nhận, cột bơm dầu vẫn hiện số, vòi dầu vẫn được đấu nối từ hố chứa dầu lên cây dầu, xung quanh hố xuất hiện nhiều vết dầu rơi vãi bám vào đất nhưng không được thu dọn. Bằng chứng đã rõ ràng nhưng ông Hải lại luôn phủ nhận và nguỵ biện cho rằng, cây dầu đó đã hỏng, chúng tôi không dùng nữa.
Lò gạch của ông Hải còn ngang nhiên lắp đặt một cây dầu trái phép
Rất nhiều bình ô xi để ở trong lò gạch, nguy cơ cháy nổ rất cao, cùng với đó, tất cả vị trí có nguy cơ cháy nổ đều không có biển cảnh báo
Tại lò gạch của ông Hà và ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc công ty CP VLXD Nam Sông Hồng cũng không có gì sáng sủa hơn, công tác quản lý chất thải nguy hại không được phân loại, thu gom, lưu giữ đúng quy định.
Chất thải nguy hại không được các chủ lò gạch thu gom lưu giữ đúng quy định, mà để ngoài môi trường
Nền của các lò gạch luôn được phủ một lớp bụi dày do không được thường xuyên quyét dọn
Như vậy, có thể thấy 03 chủ lò gạch gồm ông Hải, ông Hà và ông Hải đang xem nhẹ, bỏ qua việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường. Bởi khi nhận chuyển nhượng dự án từ các cá nhân, nhưng các chủ lò này lại không xem lại bản kế hoạch bảo vệ môi trường để biết chủ dự án đã cam kết những gì với cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện xây dựng lò gạch. Những sai phạm này có được UBND huyện Phú Xuyên biết? Liệu sau khi toà soạn Môi trường và Cuộc sống đăng tải thì các lò gạch trên có bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật?. Đây là điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Trách nhiệm của UBND huyện Phú Xuyên ở đâu?
Tiếp tục ghi nhận thực tế, những sai phạm của 03 lò gạch dần được “phơi bày” có thể thấy nền các nhà máy được phủ bằng một lớp bụi đất dày, mỗi khi xe máy, đi lại bụi bay mịt mù, công nhân sản xuất gạch không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định. Tiếp tục đi ra phía sau nhà máy, các bãi cát được 03 lò gạch chất cao như núi sát mép sông Hồng nhưng nhiều năm qua không được chính quyền các cấp, cơ quan chức năng huyện Phú Xuyên vào cuộc ngăn chặn, xử lý. Điều này cho thấy, vai trò của cấp uỷ Đảng và chính quyền huyện Phú Xuyên và xã Hồng Thái đang có dấu hiệu thiếu quyết liệt trong việc xử lý các sai phạm đối với các lò gạch.
Các đống cát chất cao như núi sát mép sông nhưng không bị chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý
Tại Kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp cho ông Nguyễn Xuân Quyền và bà Trần Thị Mai Hương (nay là công ty CP gạch Tuynel Hồng Thái) đã cam kết: Chất thải rắn nguy hại trong quá trình sản xuất chủ yếu là giẻ lau dính dầu mỡ, vỏ hộp đựng dầu mỡ, cặn dầu từ quá trình bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị, ắc quy của xe, hộp mực văn phòng. Khối lượng các chất thải nguy hại này ước tính khoảng 10kg/tháng/2 dây chuyền.
Các biện pháp quản lý chất thải nguy hại cũng đã được chủ dự án nêu rõ: Chủ cơ sở sản xuất sẽ xác định danh mục chất thải nguy hại, lập thủ tục, hồ sơ, đăng ký cấp giấy phép hành nghề, mã số quản lý chất thải rắn nguy hại theo đúng thông tư só 12/2011/TT – BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ TN&MT. Định kì 1 lần/năm chủ sơ sở sản xuất sẽ ký hợp đồng với đơn vị có tư cách pháp nhân để xử lý.
Đó là những cam kết trên giấy còn thực tế thì cả 3 chủ lò gạch tại thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái đều bỏ ngoài tai, coi thường việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường. Điều khiến các lò gạch trên hoạt động sai phạm suốt nhiều năm qua, UBND huyện Phú Xuyên không ngoại trừ liên đới trách nhiệm trong vấn đề này.
Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động
PV tiếp tục đặt câu hỏi về việc 3 lò gạch hoạt động đã được cấp giấy phép bến thủy nội địa chưa? Ông Hà cho biết: Chúng tôi đang thuê bến của anh Đại ở bến đò Vườn Chuối để làm nơi trung chuyển đất.
Ông Trần Hồng Phúc – Cán bộ địa chính xây dựng UBND xã Hồng Thái cùng các chủ lò gạch luôn câu kết, trả lời vòng vo, nhằm che giấu các sai phạm của lò gạch
Vậy bến bãi của ông Đại đã được cấp giấy phép bến thủy nội địa chưa? Đến đây thì cả ông Hải, ông Hà cùng ông Trần Văn Phúc – cán bộ địa chính xã Hồng Thái đều “câu kết” trả lời vòng vo, nhằm che giấu sai phạm của mình khi luôn cho rằng bến của ông Đại đã được cấp giấy phép bến thủy nội địa rồi. Thế nhưng khi PV yêu cầu các chủ lò gạch và ông Phúc – Cán bộ địa chính xã Hồng Thái cung cấp giấy phép bến thủy nội địa của ông Đại, ngồi làm việc thì ông Vũ Đức Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái vô cùng bức xúc trước cách làm việc của 03 chủ lò gạch và cấp dưới của mình, ông Vinh – khẳng định: “Các anh không phải báo cáo dài dòng, vẽ rắn thêm chân nữa. Thực tế ở đây các chủ lò gạch bốc xếp vật liệu từ bến đò lên chưa được cấp phép bến thủy nội địa, thanh tra giao thông thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở. Tại xã Hồng Thái chưa có bến bãi nào được cấp phép cả, ông Đại chỉ được cấp phép bến đò chở khách qua sông thôi. Việc 03 lò gạch tập kết nguyên vật liệu là hoàn toàn trái phép, vi phạm luật đê điều và giao thông đường thuỷ.
Ông Vũ Đức Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái khẳng định bến bãi tập kết cát tại vị trí các lò gạch là đang hoạt động trái phép
Bên cạnh đó, được biết 3 lò gạch này đều không có mỏ khai thác đất để sản xuất gạch mà mua trôi nổi từ các dự án cải tạo nông thôn mới trên địa bàn các xã, huyện, tỉnh lân cận mà không hề có hóa đơn chứng từ. Vấn đề này, hằng năm công an huyện Phú Xuyên có kiểm tra và nắm bắt được hàng nghìn m3 đất được các lò gạch mua ở đâu hay không? Sản xuất gạch khi không có mỏ khai thác, mà vẫn được cấp giấy phép. UBND huyện Phú Xuyên sẽ giải trình trước UBND thành phố Hà Nội như thế nào?
Các lò gạch không được cấp phép mỏ đất nên đất dùng để sản xuất gạch chủ yếu được các chủ lò gạch này mua trôi nổi trên thị trường
Với những vi phạm của 3 lò gạch trong việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường, đê điều, giao thông đường thuỷ, đường bộ, tài nguyên nước…đã rõ như ban ngày nhưng các cơ quan chức năng của UBND huyện Phú Xuyên định kỳ kiểm tra 02 lần/năm đều đặn lại không nhắc nhở, xử phạt. Phải chăng các buổi kiểm tra của phòng ban chức năng huyện Phú Xuyên chỉ như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” cho lấy lệ và đều ra về trong “vui vẻ”?.
Trách nhiệm Huyện uỷ, UBND huyện Phú Xuyên đến đâu đối với các sai phạm của 03 lò gạch trên?
Toà soạn Môi trường và cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.
Thuỳ Dương – Đại Cát