Moitruong.net.vn – Bỏ nhiều công sức, tiền của để chăm sóc, vun xới cho cây “vàng trắng” với hi vọng đổi đời. Thế nhưng, cơn bão số 12 vừa qua đã càn quét làm cho hàng ngàn hécta cao su tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) ngã đổ. Người dân phải chặt bán củi nhằm gỡ gạt lại ít vốn.
Sau gần 2 tuần cơn bão số 12 quét qua miền Trung, hiện nay người dân tại các huyện của Phú Yên ra thu dọn vườn cao su để… bán củi.
Vườn cao su của rộng 5ha của ông Lê Đức Hòa (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) trồng được trên 12 năm tuổi, cơn bão số 12 đi qua đã quật ngã gãy ngang thân, cây thì bị bung gốc. “Gió bão nên cây cao su càng to cao, càng bị gió bão bẻ ngã. Vườn cao su này trung bình một lần cạo 1ha trút được 50kg mủ, bán với giá 9000 đồng/kg, thu được 450.000 đồng. Cứ cách một đêm cạo mủ một lần, một tháng trừ chi phí mỗi ha tôi kiếm được 5 triệu đồng. Nay mất trắng 5ha, tôi mất đi mỗi tháng 20 triệu đồng. Tôi có 4 người con, lâu nay cả gia đình sống nhờ vào vườn cao su mà sống, giờ vườn tan hoang, cả nhà không biết bám víu vào đâu”, ông Đoàn buồn bã nói.
Cùng cảnh như ông Đoàn, toàn bộ 16ha cao su nhà bà Trần Thị Điệp ( xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) bị gió quật ngã nằm ngổn ngang, những cây còn lại bị lung lay gốc. Bà Điệp cho biết: “Vườn cao su nhà tôi trên 10 năm tuổi, đang thời kì cho ra mũ, bão ập đến, vườn ngã như cưa cây. Cả gia đình vừa dựa vào vườn cao su mà sống, vừa trả nợ ngân hàng. Sắp đến không biết làm gì ra tiền mà trang trải nợ nần?”
Theo thống kê của UBND huyện Sơn Trà, bão số 12 đã làm đổ ngã, gãy hơn 769ha cao su tiểu điền. Ông Nay Y Blung – Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, sau bão, UBND huyện chỉ đạo các xã vận động bà con nhân dân có diện tích các loại cây bị thiệt hại nhanh chóng dọn dẹp, tận thu để chuyển sang trồng sắn, nhanh chóng ổn định sản xuất.
Ông Trần Văn Hồng (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) ngậm ngùi cho biết: “Gió bão quật vườn cao su tan tành, mấy ngày mưa nhưng vợ chồng tôi ráng dầm mình thu dọn cây gãy bán cho thương lái kiếm đồng nào mừng đồng nấy. Thương lái mua với giá 150.000 đồng/cây, vườn cao su trung bình 500 cây thì bán được 75 triệu đồng, thế nhưng gần đây nhiều người chặt bán nên thương lái làm dày làm mỏng, ép giá”.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch huyện Sông Hinh, toàn huyện có 1.245,6 ha cao su bị ảnh hưởng gió bão, trong đó có 695,6ha thiệt hại trên 70%, 200ha thiệt hại từ 50 – 70%.
Ths Đặng Văn Mạnh – Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, bão số 12 đã làm hư hại, ngã đổ 2.014,6ha cao su tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ công tác khắc phục thiệt hại, hướng dẫn phương pháp khôi phục sản xuất với các loại cây trồng bị ảnh hưởng bão lũ.
Oanh Lê