Phú Yên: Hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trọng Nhân|03/11/2020 02:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phú Yên có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển đảo, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, do tác động bởi đại dịch COVID-19, một số chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu… chưa đạt. Song nhìn vào bức tranh tổng thể, chúng ta có thể thấy, du lịch Phú Yên đã có sự phát triển rõ rệt với ba nhóm kết quả quan trọng: Vai trò của ngành Du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác được nâng cao. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển du lịch đã được chú trọng; nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được tôn tạo và khai thác hiệu quả. Thương hiệu du lịch: “Phú Yên – Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” bước đầu được xây dựng, qua đó định hướng đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Ảnh minh họa

Tỉnh Phú Yên đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển du lịch, với 26 dự án thuộc lĩnh vực du lịch có tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng.

Cùng với đó, địa phương đã quan tâm đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu tại các khu di tích, điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Các khu, tuyến, điểm du lịch địa phương và kết nối với các địa phương lân cận như: Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai được hình thành. Sản phẩm đặc trưng của Phú Yên là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với biển đảo, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực.

Mặc dù đánh giá được tiềm năng phát triển du lịch và đã có nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển du lịch, tuy nhiên thực tế, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều công trình, dự án còn kéo dài thời gian hoàn thành do nhà đầu tư thiếu năng lực, chậm hoặc không triển khai dự án. Hoạt động du lịch của tỉnh tuy có bước phát triển khá nhanh, nhưng còn thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực; hoạt động lữ hành chưa mạnh; đội ngũ cán bộ quản lý khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch còn thiếu và yếu; chưa xây dựng được thương hiệu du lịch Phú Yên.

Kinh tế của Phú Yên trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ còn nhiều mặt hạn chế. Tài nguyên du lịch tuy phong phú, đa dạng nhưng nằm rải rác, ngoài một số quần thể thì các điểm, khu du lịch nằm cách xa nhau, trong khi đó nguồn lực đầu tư hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả. Nhận thức xã hội về du lịch, nhất là nhận thức của các cấp quản lý về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội chưa cao; các ngành, các địa phương, các đơn vị du lịch chưa có sự phối hợp tốt trong đầu tư, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực để phát triển du lịch.

Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh Phú Yên đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Về tổ chức quản lý, cơ chế chính sách, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự tích cực tham gia của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch Phú Yên trong thời gian tới. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về du lịch.

Cụ thể hóa các cơ chế chính sách ưu đãi theo các quyết định của Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính… Ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình có liên quan; kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài; huy động vốn các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động du lịch và đóng góp của cộng đồng phù hợp với xu hướng xã hội hóa. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển du lịch. Về nguồn nhân lực hướng đào tạo chuyên sâu; dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách tỉnh cho công tác đào tạo; ưu tiên nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài; đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ công chức trong ngành du lịch…

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Phú Yên xác định tiếp tục đầu tư để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp lớn vào nền kinh tế của địa phương, phấn đấu bình quân tăng trưởng mỗi năm đạt 14%. Đến năm 2025, lượng khách du lịch đạt trên 4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là hơn 50 nghìn lượt.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Phú Yên đang tích cực đầu tư xây dựng vịnh Xuân Đài đạt tiêu chí Khu Du lịch quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cùng với đó, Phú Yên khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn