Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, mùa bão ở Phú Yên được xác định từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, nhưng nhiều nhất là từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên do sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp, cực đoan nên có năm cuối tháng 12 trên địa bàn vẫn có bão xảy ra.
Các địa phương đã lên phương án di dời dân ở những khu vực xung yếu khi bão đổ bộ. Ảnh: PC.
Đối với lũ lụt do đặc điểm địa hình của tỉnh thấp dần từ Tây sang Đông, các sông (3 con sông chính Sông Ba, sông Kỳ Lộ, Bánh Lái), suối đều ngắn và dốc, độ che phủ rừng hạn chế, nên khi mưa lớn xảy ra thì thời gian lũ lên rất nhanh, gây ngập lụt hầu hết vùng đồng bằng. Trong lịch sử vào các năm 1993, 2007, 2009…tỉnh Phú Yên đã diễn ra một số trận lũ đặc biệt lớn, gây thiệt hại về người và tài sản.
Dự báo của ngành Khí tượng thủy văn mùa mưa, bão năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên tập trung trong những tháng cuối năm và có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1- 2 cơn bão và ATNĐ. Còn mùa mưa, bắt đầu từ tháng 9. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình từ 10 – 30%, khu vực ven biển phổ biến từ 1.500- 2.000mm, vùng núi từ 1.400 – 1.800mm. Số đợt mưa lớn diện rộng có khoảng 4- 6 đợt, tập trung nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12. Từ nửa tháng 9 đến nửa đầu tháng 12/2020, trên các sông ở Phú Yên có khả năng xuất hiện 2- 3 đợt lũ lớn (lũ lớn tập trung ở vào thời kỳ nữa cuối tháng 10 đến hết tháng 11). Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở Phú Yên khả năng ở mức cao hơn năm 2019; đạt mức báo động cấp II – III (BĐ2- BĐ3), một số sông vừa và nhỏ trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ trên báo động 3, xảy ra hiện tượng sạt lở đất.
Tỉnh Phú Yên đã có lên kịch bản ứng phó mưa bão năm 2020. Ảnh: KS.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, Phó trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết: UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các địa phương kiểm tra, rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, các phương án (mưa lũ lụt, bão; sạt lở đất, sạt lở bờ sông, biển; sơ tán dân…) của ngành, đơn vị và địa phương quản lý phù hợp theo tình hình thực tế, từng loại hình thiên tai và ứng với từng cấp độ rủi ro thiên tai đã được phê duyệt. Kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, thông tin liên lạc… Xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra. Sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố vỡ hồ, đập thủy lợi, thủy điện, xả lũ khẩn cấp.
Đồng thời, phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo, điều động của UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Theo NNVN