Đa dạng sinh học

Phục hồi các hệ sinh thái hiệu quả và bền vững ở Đà Nẵng

Vũ Thành 16/10/2024 15:28

Ngày 2/4/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 1099/QĐ-UBND về đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Đến nay, thành phố triển khai nhiều giải pháp bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại các địa phương hiệu quả và bền vững.

Trong 3 năm từ 2021-2024, thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể như tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thành phố cũng chủ động hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành, các địa phương. Hằng năm, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện đề án, cụ thể; riêng về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, thành phố có 2 khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa có mức độ đa dạng sinh học cao, với nhiều hệ sinh thái khác nhau như hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, hệ sinh thái biển và ven biển... có hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm.

Đối với hệ sinh thái biển và hải đảo: TP Đà Nẵng đã đề ra kế hoạch quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản. Quản lý và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển; tăng diện tích các khu vực phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển, diện tích các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển trên địa bàn.

he-sinh-thai.jpg
Voọc Chà Vá - loài linh trưởng quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: MH

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, diện tích lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là 2.520,30ha với các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới lá rộng thường xanh trên núi đất, hệ sinh thái thảm cỏ, cây bụi không ngập nước…

Theo thống kê chưa đầy đủ về thực vật, trong khu bảo tồn và vùng đệm có tổng số 1.451 loài thực vật, thuộc 162 họ, 8 lớp của 4 ngành. Trong đó, ngành hạt kín là 1.370 loài, thuộc 137 họ và 2 lớp; ngành dương xỉ 68 loài, thuộc 21 họ và 2 lớp; ngành thông 5 loài, thuộc 2 họ và 2 lớp; ngành hạt trần 8 loài, thuộc 2 họ và 2 lớp. Về động vật, có 531 loài động vật, thuộc 144 họ, 48 bộ của 5 lớp. Trong đó lớp thú 45 loài, thuộc 21 họ, 8 bộ; lớp chim 162 loài, thuộc 44 họ, 15 bộ; lớp bò sát 77 loài, thuộc 17 họ, 3 bộ; lớp côn trùng 231 loài, thuộc 47 họ, 12 bộ; lớp cá 16 loài, thuộc 14 họ và 10 bộ. Đặc biệt có nhiều loài động vật nằm trong Sách đỏ như voọc chà vá chân nâu, tê tê… Về đa dạng nguồn gen các loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn và vùng đệm có 166 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 là 76 loài; loài có tên trong Danh lục đỏ (IUCN) 67 loài…

Đối với nguồn gen các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn và vùng đệm có 58 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 là 28 loài; loài có tên trong Danh lục đỏ (IUCN) 31 loài… Cũng như Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, hiện có hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ và cần bảo tồn. Cụ thể, có 202 loài thực vật và 101 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm…

Đáng mừng, thời gian qua thành phố đã chủ động và tích cực triển khai công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Mặt khác, thành phố cũng tham gia thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học như Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ; đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức 7 lớp tuyên truyền cho hơn 280 ngư dân về các nội dung Luật Thủy sản, biển đảo; đồng thời, tổ chức tuần tra liên ngành khai thác thủy sản bằng nghề cấm ven bờ, khai thác thủy sản trái phép; tổ chức thả 80.000 cá giống các loại trên sông Cẩm Lệ, khu vực hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang nhằm tái tạo, phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố; tuyên truyền bảo vệ san hô ở bán đảo Sơn Trà…

Về bảo vệ và cứu hộ động vật hoang dã, sở đã tổ chức 2 đợt kiểm tra các loại thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, qua đó, đã thả về môi trường tự nhiên 9 cá thể cá nhám theo quy định; thực hiện 114 lần tuyên truyền lưu động, ngoại khóa tại 6 trường THCS và 11 cộng đồng dân cư gần rừng; khởi tố 1 bị can vận chuyển, buôn bán trái phép 1 cá thể động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm; xử lý 33 vụ vi phạm hành chính, phạt 710 triệu đồng.

Cùng với đó, kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng; mua, bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn thành phố, phối hợp liên ngành tổ chức 366 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên bán đảo Sơn Trà; phá hủy tại rừng 10 lán trại, 1.026 bẫy động vật, đẩy đuổi 11 đối tượng khai thác mật ong ra khỏi rừng; cứu hộ và tái thả 3 cá thể động vật hoang dã về lại rừng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phục hồi các hệ sinh thái hiệu quả và bền vững ở Đà Nẵng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.